Tiền tệ nói chung, trong đó tiền Việt Nam đã ra đời và phát triển hàng ngàn năm nay, song hành cùng với những thăng trầm của lịch sử của dân tộc. Giá trị và hình thức của tiền tệ qua từng thời kỳ cũng luôn thay đổi, cho thấy, nó không chỉ là phương tiện thanh toán, trao đổi trong cộng đồng dân cư, xã hội mà còn phản ánh sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, cũng như các lĩnh vực khác của đất nước. Đặc biệt, tiền tệ luôn là một trong những hình thức thể hiện uy thế, ý chí của các vương triều. Hầu như mỗi đời vua thay đổi niên hiệu lại cho phát hành loại tiền mới. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi đi sâu khảo sát ý nghĩa của việc ban hành tiền tệ, thông qua bộ sưu tập tiền cổ của các triều đại phong kiến, thể hiện độc lập chủ quyền của dân tộc Việt Nami.
Nhìn lại lịch sử dân tộc cho thấy, suốt một ngàn năm Bắc thuộc, người Việt không có đồng tiền riêng để lưu hành. Tiền Trung Quốc xuất hiện khá sớm và phổ biến trên lãnh thổ nước ta từ thời kỳ Bắc thuộc, như tiền hình dao, tiền hình yên ngựa, tiền bố, tiền bán lạng, ngũ thù, tứ thù, hoá tuyền, đại tuyền ngũ thập, khai nguyên… Khi tiền Việt Nam xuất hiện thì tiền Trung Quốc vẫn tồn tại song song đến tận đời Nguyên, Minh, Thanh...
Không riêng gì Việt Nam, các nước đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên đều đúc tiền theo kiểu tiền Trung Hoa. Đồng tiền có hình tròn, lỗ vuông. Hình dáng đó biểu hiện tư duy cội nguồn của triết học cổ đại phương Đông. Hình tròn tượng trưng cho bầu trời. Lỗ vuông tượng trưng cho mặt đất. Trời tròn đất vuông, trời thuộc về dương, đất thuộc về âm. Âm dương là hai mặt đối lập nhau nhưng lại thống nhất, vạn vật có âm có dương mới phát triển. Tư duy này được gìn giữ và phát triển nhất quán trong việc đúc tiền qua các triều đại.
Nhưng nếu ai đó chỉ nhìn vào hình dáng đồng tiền, không đọc được chữ Hán, rất dễ cho rằng đồng tiền các nước đồng văn, cụ thể hơn là tiền Việt Nam và Trung hoa phong kiến không có gì khác nhau.
Trong lịch sử tiền tệ Việt Nam, năm 968 thực sự là một dấu mốc quan trọng. Đó là năm Ðinh Tiên Hoàng dẹp tan loạn 12 sứ quân, thành lập nhà Ðinh, và xưng Ðinh Tiên Hoàng Ðế để mở đầu một kỷ nguyên độc lập cho nước Việt. Nhà Ðinh đã đúc đồng tiền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, đó là đồng Thái Bình hưng bảo 大平興寶, đúc năm 970, mặt sau có chữ Ðinh 丁 mang họ nhà vua. “ Hưng Bảo” với ý nghĩa mong muốn sự hưng thịch cho dân tộc việt.
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích giết hại. Triều đình đưa Đinh Toàn lên nối ngôi khi mới 6 tuổi. Năm 980, trước họa xâm lăng của nhà Tống, được sự ủng hộ và suy tôn của Dương Thái Hậu (mẹ của Đinh Toàn) và theo đề nghị của Phạm Cự Lạng Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thiên Phúc, lập ra triều Tiền Lê, vẫn dùng quốc hiệu Đại Cồ Việt. Trong thời gian tại vị, nhà vua đã cho đúc tiền Thiên Phúc trấn bảo 天福鎮寶, lưng tiền đúc chữ Lê 黎, mang họ của nhà vua. Tiền Thiên Phúc trấn bảo đã được lưu thông tới vùng biên giới phía nam Trung Quốc. Năm 1978, tại Huyện Cát An, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, các nhà khảo cổ học đã đào được 1 hũ tiền, trong đó có 1 đồng Thiên Phúc trấn bảo, lưng đồng tiền có chữ Lê. Nhà nghiên cứu tiền cổ Trung Quốc Hoàng Nhất Nghĩa cho rằng, đây là đồng tiền Việt Nam đúc năm 984 dưới triều Tiền Lê.
Ngay từ khi mở đầu kỷ nguyên độc lập cho nước Việt, trên đồng tiền Việt Nam đã tạo ra sự khác biệt về chữ viết, không dùng cách viết như các nước đồng văn thường ghi là Thông bảo (nghĩa là đồng tiền thông dụng), hay Nguyên bảo (tiền mới đầu tiên). Đồng tiền của Việt Nam luôn đề rõ tên họ nhà vua trong thời trị vì, khảng định độc lập chủ quyền của dân tộc Việt.
Dưới triều Lý, tiền tệ trở nên đặc biệt quan trọng trong thuế khóa, buôn bán và trong cả pháp luật triều đình. Để đáp ứng nhu cầu của dân chúng, các vua triều Lý đã cho đúc và lưu hành nhiều loại tiền đồng mang niên hiệu các vua triều Lý. Bên cạnh tiền của các đời vua Lý đã cho đúc và lưu hành, trên thị trường Việt Nam lúc đó còn tồn tại các loại tiền thời Đường và Tống của Trung Quốc với tỉ lệ khá lớn. Điều đó cho thấy mối quan hệ buôn bán giữa nước Đại Việt và Trung Quốc giai đoạn này khá phát triển. Đồng tiền đầu tiên của triều Lý là Thuận Thiên đại bảo 顺天大寶. Khác với đồng tiền triều Đinh và Tiền Lê, Lý Thái Tổ dùng hai từ đại bảo 大寶 cùng với niên hiệu của mình để phân biệt với các triều trước cũng như tiền một số nước khác trong khu vực. Chữ “Đại” ở đây được hiểu là to lớn, rộng rãi, nhằm khẳng định sự lớn mạnh của vương triều Lý trong lịch sử, sánh vai với Trung Hoa thời Tống và các nước trong khu vực như Champa, Java… Tiền Thuận Thiên đại bảo, lưng tiền, phía trên lỗ vuông đúc chữ Nguyệt 月.
Các triều đại tiếp theo, đất nước ngày càng phát triển, bờ cõi được mở rộng dần xuống phía Nam. Đồng tiền Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Các đời vua đều đúc tiền mang niên hiệu của mình. Tiền nhà Lê sơ được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá là những đồng tiền đẹp nhất thời đó trong bốn nước đồng văn.
Đặc biệt tiền đời vua Cảnh Hưng nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại. Còn sáng tạo ra nhiều loại tiền mà các nước không có như: Vĩnh bảo (tiền lưu thông mãi mãi), Chí bảo (tiền cao quý nhất), Đại bảo (tiền có giá trị lớn), Chính bảo (tiền chính thống), Cự bảo (tiền có giá trị to), Thuận bảo (tiền kỷ niệm dịp chiếm đóng Thuận Hóa)…
Cũng giống như các triều đại trước, hầu hết các vị vua Triều Nguyễn đều cho đúc tiền mang niên hiệu để khẳng định quyền uy và ý chí của vương triều. Đồng thời nhà vua còn cho đúc các loại kim tiền, ngân tiền chuyên dùng cho việc ban thưởng cũng như có định giá cho việc lưu thông tiền tệ. Chất liệu đồng tiền giai đoạn này thường đa dạng, như kẽm, đồng, vàng và bạc.
Theo Karl Marx, “tiền chính là loại hàng hóa đặc biệt”. Giá trị của đồng tiền là lưu thông, thanh toán, thước đo giá trị hàng hóa, cất trữ… Nhưng trên lãnh thổ Việt Nam đồng tiền đúc ra và lưu hành còn để khẳng định tính chính thống của các triều đại. Dương Nhật Lễ lên làm vua chưa đầy một năm cũng cấp tốc đúc tiền Đại Định thông bảo 大定通寶 để khẳng định vai trò lịch sử của mình.
Cuối thời Lê sơ, vào năm 1521 Trần Cảo nổi binh chiếm Đông Đô làm vua bốn ngày. Tuy vậy Trần Cảo cũng đặt niên hiệu là Thiên Ứng và cho đúc tiền Thiên Ứng thông bảo 天應通寶. Việc đúc tiền như vậy mang ý nghĩa chính trị hơn là kinh tế.
Cho dù đất nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng các triều đại phong kiến Việt Nam đều đúc những đồng tiền khảng định tính chính thống, chủ quyền độc lập của dân tộc Việt.
Hà Nội, 22/10/2019
Mai Ngọc Phát
Hình minh họa, từ trái sang phải:
- Thái Bình Hưng Bảo - lưng có chữ Đinh
- Thiên Phúc Trấn Bảo - lưng có chữ Lê
- Thuận Thiên Đại Bảo - lưng có chữ Nguyệt
(Thế giới cổ tiền https://thegioicotien.com xin trân trọng giới thiệu bài viết của cố nhà sưu tầm - nhà nghiên cứu tiền cổ Mai Ngọc Phát nhân kỷ niệm 3 năm ngày mất của ông 15/6/2020-15/6/2023. Ông nguyên là chủ nhiệm CLB nghiên cứu và sưu tầm đồng tiền Việt Nam đồng thời là người sáng lập, thành viên trụ cột của ban biên soạn tạp chí Vietnam Numismatics)