Lê Duy Kỳ là cháu đích tôn của vua Lê Hiển Tông, ông lên ngôi trong bối cảnh quân Tây Sơn từ phương Nam tràn chiếm Bắc Hà, lật đổ chúa Trịnh. Triều đại của ông chứng kiến sự thay đổi lớn từ việc kết thúc các đời chúa Trịnh, đến sự phát triển của nhà Tây Sơn, và việc cầu viện nhà Thanh đem quân sang đánh Quang Trung với hy vọng trở lại ngai vàng. Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đưa Chiêu Thống về Thăng Long. Nhà Thanh phong cho Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Năm 1789, Quang Trung đưa quân ra Bắc Hà, chỉ một trận quét tan 29 vạn quân Thanh.
Năm 1882, E. Toda công bố tiền Càn Long thông bảo lưng có hai chữ An Nam và cho rằng đồng tiền này được Tôn Sỹ Nghị đúc tại Vân Nam để trả công cho 29 vạn quân Thanh của Tôn Sỹ Nghị. Tiến sỹ Allan Barker trong tác phẩm Lịch sử tiền tệ Việt Nam cũng cho rằng đồng Càn Long thông bảo lưng An Nam được đúc bởi người Trung Quốc để trả lương cho quân Thanh. Tuy nhiên, do tiền Càn Long thông bảo lưng An Nam có đặc điểm chế tác rất giống tiền Chiêu Thống thông bảo nên cũng có nhiều nhà sưu tập (trong đó có chúng tôi) cho rằng tiền Càn Long lưng An Nam được đúc tại Thăng Long sau khi nhà Thanh phong cho Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.
Dù cho tiền Càn Long thông bảo lưng An Nam được đúc nhằm trả lương cho 29 vạn quân Thanh hay được đúc tại Thăng Long sau khi Chiêu Thống được phong làm An Nam quốc vương nhằm mục đích lưu thông thì chúng ta đều có thể khẳng định: số lượng Càn Long thông bảo lưng An Nam được đúc ra là rất lớn, thời gian đúc ra thì lại không hề dài. Ngày nay, số lượng xuất lộ hay số lượng Càn Long lưng An Nam trong bộ sưu tập của các nhà sưu tập cho thấy điều này. Chúng ta luôn có thể dễ dàng mua một đồng Càn Long lưng An Nam với mức giá rất bình dân.
Về cơ bản, Càn Long lưng An Nam chỉ có hai dạng chính: chữ Thông có đầu vuông, chữ Chính trong chữ Long - hay gọi là Chính Long và dạng chữ Thông đầu tam giác, chữ Sinh trong chữ Long - hay gọi là Sinh Long.
Hình 1: Càn Long thông bảo lưng An Nam dạng Chính Long (trái) và Sinh Long (phải)
Tuy nhiên, chính vì số lượng đúc lớn trong một thời gian ngắn nên dù cùng là một dạng mặt tiền (ví dụ dạng bên phải: thông tham giác) thì tiền cổ Càn Long thông bảo lưng An Nam do được đúc thủ công nên sẽ được đúc với nhiều khuôn mẫu khác nhau, ở những lò đúc khác nhau. Tiền Càn Long thông bảo lưng An Nam được đúc vào cuối thời Lê Trung Hưng, sau thời Cảnh Hưng của Lê Hiển Tông nên tiền mang đặc điểm của tiền cuối thời Lê Trung Hưng. Cùng một kiểu thư pháp nhưng có đồng nét đậm, đồng nét mảnh, đồng có tích chữ Thông dài, đồng có tích chữ Thông ngắn... Vì vậy, thực tế nếu so từng tích từng nét nhỏ như một số nhà sưu tập tiền Cảnh Hưng đã và đang làm thì chỉ riêng một dạng Càn Long thông bảo lưng An Nam loại Sinh Long thôi cũng sẽ có nhiều dị bản...
Một vài ngày trước, ông Lã Dật Quần (một nhà sưu tập lớn với kinh nghiệm trên 30 năm sưu tập tiền cổ lỗ vuông, MOD của group Trung Quốc cổ tiền luận đàn, một group với gần 13k thành viên) có đăng một đồng Càn Long thông bảo lưng có hai chữ An Nam rất đẹp và hoàn toàn chuẩn cổ. Tuy nhiên, có lẽ vì quá đẹp nên có ý kiến cho rằng đồng Càn Long thông bảo đó là tiền giả.
Hình 2: Hình ảnh gốc đồng Càn Long lưng An Nam của nhà sưu tập Lã Dật Quần
Hình 3: Phân tích của một nhà sưu tập ở Việt Nam
Có lẽ nhà sưu tập này cho rằng có sự khác biệt về thư pháp ở những chỗ khoanh đỏ so với đồng tiền thật đã được biết, từ đó đưa ra nghi vấn chăng?
Đúng là trong phân tích thật giả của một đồng tiền, thư pháp rất quan trọng. Thư pháp sai, có thể đặt nghi vấn tiền giả.
Thư pháp đúng, khả năng là tiền thật rất lớn. Tuy nhiên, việc hiểu thư pháp như thế nào là đúng, như thế nào là sai lại là một chuyện khác. Khi phân tích nét chữ của một đồng tiền, ví dụ đồng tiền thật nét đi xuống thì đồng tiền có nét đi ngược lại hướng lên trên... có thể là giả. Hoặc ví như đồng tiền thật đầu chữ Thông nó phải vuông (thực tế phát lộ đến giờ là như vậy) mà ta tìm được đồng tiền cùng dạng nhưng đầu chữ Thông lại hình quả trám thì có thể khẳng định là thư pháp bị sai. Hoặc như trên một số đồng tiền Quang Thiệu giả sửa chữ từ Quang Thuận, chỉ cần nhìn chữ Quang ta đã thấy khác nhau rõ rệt về thư pháp. Ngoài ra, khi nhìn tổng thể thư pháp của mỗi chữ trong đồng tiền, dù các nét có bị dính nhau khi viết hay rời thì nó vẫn phải nằm trong một khung, một ô nhất định. Nếu có nét nào đó nhảy ra ngoài khung, ngoài ô thì có thể gọi là sai thư pháp.
Trên nhưng phần khoanh đỏ như hình vẽ số 3, ta có thể thấy:
- Bộ quai sước chữ Thông có tích (nét chấm) bị dính vào đầu bộ Dụng hoàn toàn có thể lý giải được là do khuôn đúc thủ công. Một nét có thể bị dày hơn, mỏng hơn, dài hơn một chút dẫn đến chạm vào chỗ không nên chạm.
- Phần đầu bộ quai sước (ngay dưới tích chữ Thông) bị dày hoàn toàn có thể lý giải là do nét hất lên và gập xuống bị dính nhau (dính đồng)... Tương tự với phần bộ Vương trong chữ Bảo bị dính vào phần trên bên trái bộ Bối hay phần bên phải bộ Miên của chữ Bảo cũng hoàn toàn có thể hiểu được với tay nghề thủ công cùng tình trạng chung của những đồng xu cuối thời Lê Trung Hưng.
- Nhìn tổng thể, chữ Thông, chữ Bảo đều nằm trong khung, trong ô khi viết - vẽ chữ Hán.
Hình 4.1-4.4: Một vài đồng Càn Long thông bảo lưng An Nam (xấu xấu, có đồng bị tẩy ten, có đồng ten vớt... thế này chắc không bạn nào nỡ lòng đặt nghi vấn giả chứ?)
- Hình 4.2 và 4.4, phần khoanh đỏ cho thấy tích của chữ Thông kéo dài và chạm vào bộ Dụng
- Hình 4.1 cho thấy ở phần trên của bộ quai sước (phần ngay dưới tích của chữ Thông) nét gấp lên sau đó gập xuống bị tràn - thừa đồng nên dù dính ten, ta có thể thấy nó như chỉ có một nét giống với đồng tiền của ông Lã Dật Quần.
- Hình 4.2 và 4.3, phần khoanh màu xanh chữ Bảo cho thấy bộ Vương chạm vào phần trên bên trái của bộ Bối. Đồng thời phần trên bên phải của chữ Bảo cũng bị tràn, thừa đồng nên không hề có nét gập xuống của bộ Miên (mái nhà) trong chữ Bảo
- Cuối cùng, phần khoanh vàng của chữ Long đều chỉ ra rằng chữ Long trong đồng tiền của ông Lã Dật Quần chẳng có vấn đề gì cả :)))). Phải chăng bạn khoanh vào chữ Long vì nghĩ là chữ Long phải viết giống như chữ Long trong ô màu đỏ ở hình 5 chứ không được viết có chữ Nhất ở trên chữ Sinh như trong ô màu xanh ở hình 5?
Hình 5: Hai cách viết của chữ Long
Hình 6: Một đồng Càn Long lưng An Nam đẹp và chuẩn cổ lấy hình ở trên mạng internet cho thêm phần khách quan, với phần bộ quai sước chữ Thông dính nét hệt như đồng của ông Lã Dật Quần. Phần bộ Vương cũng bị dính vào bộ Bối trong chữ Bảo.
Hình 7: Thêm một đồng Càn Long chất lượng kém, nét chữ xiên vẹo. Đồng này mà bị làm sạch ten bằng acid rồi phân tích đường nét thì hẳn cũng ra tiền giả nếu theo phương pháp phân tích như ở trên hình 3. Vì có rất nhiều nét méo mó, xiêu vẹo (đặc biệt ở bộ dụng chữ Thông). Điều tương tự cũng sẽ xảy ra nếu các bạn xem phần khoanh màu cam trong cách hình từ 4.1 đến 4.3. Chữ An Nam có rất nhiều chỗ bị dính nét. Về tổng thể, chúng ta có thể thấy ở Càn Long thông bảo lưng An Nam có nét đúc không tốt với rất nhiều đồng bị dính nét, thừa đồng...
Kết luận:
Ở đồng tiền Càn Long thông bảo lưng có hai chữ An Nam của nhà sưu tập Lã Dật Quần, chúng tôi thấy form tiền rất chuẩn, từ biên tiền, biên lỗ ở cả hai mặt đều trùng khớp với những đồng Càn Long An Nam khác. Về thư pháp, chữ Càn và chữ Long đều rất chuẩn và đẹp. Chữ Bảo và chữ Thông có một số nét bị dính, thừa đồng có thể dẫn đến sự hiểu lầm, ngộ nhận với những nhà sưu tập chưa có kinh nghiệm nhưng về tổng thể, thư pháp của cả bốn chữ đều rất đẹp và chuẩn khớp với những đồng tiền Càn Long thông bảo lưng An Nam khác.
Ngoài ra, ở cả mặt trước và mặt sau (những chỗ khoanh tròn trong hình 8) cho chúng ta thấy những nét phong hóa rõ ràng, một số vết tích còn sót lại của ten xanh và đất cát bám chặt (không thể làm sạch hẳn sau khi bị làm sạch). Có thể thấy đồng tiền này ban đầu vẫn có ten nhưng đã bị làm sạch, sau khi làm sạch thì nền tiền vẫn còn sót lại một chút dấu vết của ten rỉ xanh hay những vết đất cát bám dính không làm sạch được. Trên tất cả, đồng tiền thật nó luôn toát ra cái nét khôn của tiền mà tiền giả không thể nào có được. Vì những lý do kể trên, chúng tôi nhận định rằng đồng Càn Long thông bảo của nhà sưu tập Lã Dật Quần là một đồng tiền chuẩn cổ!!
Vì vậy khi đánh giá một đồng tiền, ta cần nhìn tổng thể về chất liệu, thư pháp, ten rỉ hay các vết phong hóa, form tiền, cách chế tác chứ không nên thấy rõ đẹp quá, thấy tiền sạch quá hay có một hai nét hơi khác với những đồng tiền đã biết mà vội vàng kết luận là đồng tiền giả... Càng không nên cứ thấy màu trắng nhạt với đen, ten bị tẩy... thì kêu là giả, hay cứ có chút màu xanh, màu đỏ thì vội vàng kết luận là tiền thật. Việc phán xét một đồng tiền là giả chỉ dựa vào vài nét khác biệt rất nhỏ trong thư pháp quả thật có phần chủ quan và vội vàng.
Hình 8. Những nét phong hóa trên đồng tiền Càn Long thông bảo của nhà sưu tập Lã Dật Quần
Hình 9. Vài lời nhắn nhủ của ông Lã Dật Quần. "Tôi cảm thấy rất tiếc cho một số người chưa bao giờ được nhìn những đồng tiền đẹp và phán xét rằng đồng xu này là giả. Đương nhiên, chỉ nhìn hình ảnh và đánh giá thì không thể chắc chắn 100% rằng một đồng xu là thật hay giả. Vậy việc đánh giá này để làm gì? Trừ khi đó là đồng xu của các bạn. Vì thế, hãy thoải mái đi và thưởng thức đồng xu cổ này."
Hình 10: Nhận định của chuyên gia xu cổ LTK về đồng tiền của nhà sưu tập Lã Dật Quần
(Thế giới cổ tiền - 12/1/2024)