Tháng 10 năm Kỷ Mão 1459, Lạng Sơn Vương Nghi Dân sát hại vua Nhân Tông, lên ngôi đặt niên niên hiệu là Thiên Hưng. Tháng 6 năm sau, các đại thần triều Lê đem binh hỏi tội và rước Lê Tư Thành lên ngôi.
Các nhà sưu tập đã tìm thấy hai loại tiền mang hiệu Thiên Hưng là:
1. Thiên Hưng thông bảo
2. Thiên Hưng Bảo Hội
Niên hiệu Thiên Hưng còn gặp ở hai vị vua Trung Quốc sau:
- Bắc triều - Ngụy Đạo Vũ Đế năm 398-403
- Ai Tông nước Đại Kim năm 1232-1234
Vào thế kỷ IV-V, tại Trung Quốc còn sử dụng hệ thống tiền Ngũ Thù nên 2 loại tiền trên không thể là tiền thời Bắc Ngụy. Còn tiền Thiên Hưng Bảo Hội, chưa được tìm thấy tại Việt Nam, mang những đặc điểm tiền Trung Quốc, lại được tìm thấy tại Trung Quốc nên là tiền của nước Kim.
Về tiền Thiên Hưng thông bảo, thường được tìm thấy trong các lô tiền thời Lê, lại mang đặc điểm tiền thời Lê nên là tiền của Lê Nghi Dân, không thể chối cãi.
(trích trong sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam của Nguyễn Anh Huy)
Tiền Thiên Hưng có thư pháp khá đồng nhất và thường được chia ra làm ba loại sau
- Trái: hay được gọi là Trường thông. Loại này có nét dưới cùng bên trái của bộ quai sước ngang bằng với góc dưới bên phải của lỗ vuông. Đáy của bộ quay sước thoai thoải, không dốc. Loại này hiếm gặp nhất trong ba loại
- Giữa: Nét dưới cùng của bộ quai sước cũng ngang bằng với góc dưới bên phải của lỗ vuông. Nhưng bộ quai sước lại có hình dạng, độ dốc như kiểu loại thông thường bên phải. Loại này hay gặp hơn loại bên trái nhưng ít gặp hơn so với loại thông thường bên phải
- Phải: loại thông thường. Nét dưới cùng bên trái của bộ quai sước cao hơn góc dưới bên phải của lỗ vuông. Đáy của bộ quai sước rất dốc.