Trong quá trình sưu tập tiền cổ, ngoài những đồng tiền chính triều (do triều đình, do vua cho đúc...) chúng ta hẳn bắt gặp những đồng tiền dù có cùng tên, cùng niên hiệu nhưng có thư pháp, độ dày mỏng, đường kính, màu sắc khác hẳn những đồng tiền chính triều. Nhiều nhà sưu tập hay gọi những đồng tiền này là tiền không chính triều, hay phỏng đúc Lê - Mạc... Hẳn nhiều bạn cũng biết những đồng tiền này không được tìm thấy trong sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam của Dr. Allan Barker mà được các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm Nhật Bản liệt kê trong cuốn sách khác là Huyệt tiền nhập môn - Thủ loại tiền khảo. Vậy sách Thủ loại tiền khảo là sách gì, cách đọc như thế nào... Dưới đây, tôi xin chia sẻ một số khái niệm cơ bản về sách Thủ loại tiền khảo cũng như giới thiệu về một số bộ thủ cùng đặc điểm của chúng. Bản thân tôi cũng vẫn chỉ là tay mơ về vấn đề này nên có sao thì chia sẻ vậy, mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn mới chơi tiền không chính triều có chút khái niệm cơ bản để tìm hiểu về lĩnh vực rất khó nhằn này. Cũng rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bạn sưu tập để bài viết ngày một hoàn thiện hơn.
Một trong những tác phẩm về tiền Việt Nam nổi tiếng trước đây là ba tập An Nam tuyền phổ của tác giả Miura Gosen người Nhật Bản. Tập 1 là Lịch đại tiền bộ viết về tiền chính triều Việt Nam; tập 2 là Thủ loại tiền bộ viết về tiền không chính triều Việt Nam và tập 3 là Đại tiền ngân tiền bộ viết về tiền thưởng cỡ lớn và tiền vàng bạc. Sau khi xuất bản ba tập sách thì ông Miura Gosen vẫn tiếp tục sưu tập và luôn mong muốn xuất bản một tác phẩm mới, bổ sung thêm những đồng tiền ông sưu tập thêm được. Sau khi ông mất, người bạn thân của ông là ông Akasaka Yumeizumi cùng nhiều nhà sưu tập khác trong hội sưu tập tiền Izumi ở Shizuoka đã cùng nhau thực hiện ước mơ dang dở đó của ông và xuất bản ra ba tập của cuốn Thủ loại tiền khảo.
Trong cuốn Thủ loại tiền khảo, các nhà sưu tập tập hợp những loại tiền không chính triều (không phải do triều đình cho đúc). Tùy theo đặc điểm thư pháp, cách chế tác (biên to - nhỏ, có hình trăng ở mặt sau), lỗ tròn, lỗ oval..., chất liệu tiền (đồng đỏ, đồng vàng, chì, kẽm...) mà xếp những đồng tiền không chính triều đó vào các bộ thủ khác nhau. Phần mô tả trong sách chỉ nói về đặc điểm của tiền mà gần như không đề cập đến nguồn gốc hay thời đại mà tiền được đúc. Dưới đây là một số đặc điểm của sách:
- Sách gồm 3 tập (thượng, trung và hạ), trong đó chia những đồng tiền không chính triều thành 89 bộ thủ khác nhau. Những đồng tiền còn lại, cũng không phải là tiền chính triều nhưng không phát hiện ra những đồng tiền tương tự hay trong một lô thì được dồn hết vào nhóm số 90 - Bất tri phẩm loại (tiền không biết xếp vào đâu:)
- Tên sách là Thủ loại tiền khảo (bỏ chữ An Nam) vì nhiều đồng tiền trong sách không chỉ là tiền An Nam mà còn có cả tiền Nhật Bản, tiền Indonesia, tiền Trung Quốc, tiền tư nhân đúc.
- Không hề có một thứ tự nào trong việc sắp xếp tên các bộ thủ theo nơi đúc, theo thời gian đúc. Trước tôi có đọc đâu đó ý kiến rằng những bộ thủ đầu trong quyển thượng là vào tầm thế kỷ 12-13, những bộ thủ sau đó ở quyển trung tầm Lê - Mạc thế kỷ 15-16, những bộ thủ cuối ở quyển 3 là vào tầm thế kỷ 19-20... Điều này không hoàn toàn đúng!
- Tên của bộ thủ được đặt theo nguyên tắc có tên đồng tiền tiêu biểu cho bộ thủ: ví dụ Trường tự Trị Bình thủ, Nhất tâm Cảnh Đức thủ... nhưng có một số bộ thủ có tên đặt theo cách chế tác của đồng tiền: ví dụ Khoát duyên thủ (bộ thủ biên rộng), Bối quát khứ thủ (bộ tiền mà chữ ở đằng sau bị mất)...
Dưới đây là danh sách tên các bộ thủ cùng những mô tả cơ bản nhất về mỗi bộ thủ (theo kinh nghiệm của chúng tôi).
Quyển thượng
1. Tường Hựu thủ
Thường được gọi là tiền lỗ vùng. Những xu trong bộ thủ này có lỗ rộng, các cạnh của lỗ hơi cong nên nhìn tổng thể có cảm giác tròn. Người Nhật thấy hình dạng lỗ các xu trong bộ này giống mặt đàn shamisen (một loại đàn truyền thống ở Nhật) nên còn gọi kiểu lỗ này là lỗ mặt đàn shamisen. Tiền trong bộ thủ này khá mỏng, đại dạng (tiền lớn). Quách (biên lỗ) mặt sau dày hơn mặt trước và cũng có dạng hơi tròn. Đồng tiền đại biểu của bộ này là đồng Tường Hựu thông bảo. Đây là một bộ thủ rất quý hiếm.
Nhà sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ Lục Đức Thuận cho chúng ta biết thêm một số đặc điểm của tiền lỗ vùng. Theo ông, loại tiền trong bộ này có chữ nhỏ, biên tiền và biên lỗ được làm rất tròn cho thấy trình độ thợ thủ công đúc tiền có lẽ ít nhất là ở thời Hậu Lê. Các bằng chứng về khảo cổ học cho thấy tiền Tường Hựu thủ được tìm thấy ở trong một khu vực nhất định. Chúng chỉ được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa, Nghệ An (núi Nưa) tới khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam. Chúng cũng hay được tìm thấy trong lô cùng với những đồng tiền như Minh Tống Định Bảo, Huyền Thông Tuân Bảo hay Phật Pháp Tăng Bảo... Nói một cách khác, những đồng tiền lỗ vùng là tiền không chính triều nhưng được đúc sớm hơn tiền An Pháp (Lê Trung Hưng). Tiền lỗ vùng khá hiếm và có giá cao. Khoảng 20 năm trước (thời điểm tác giả viết comment này là năm 2005) thì ở khu vực Thanh Hóa, có thợ xu dò và làm được khoảng 10 đồng tiền lỗ vùng, từ đó giá của tiền lỗ vùng giảm khoảng 66%.
Cũng theo ông Lục Đức Thuận, ở Việt Nam có ý kiến cho rằng tiền lỗ vùng được đúc bởi người Nhật Bản tại Nhật Bản hoặc tại Việt Nam do chất lượng đúc rất tốt của những đồng tiền lỗ vùng. Tuy nhiên, ông hoài nghi về điều này vì người Nhật họ ghi chép rất cẩn thận về những đồng tiền Bitasen hay Nagasaki được đúc và mang sang Việt Nam nên họ khó có thể bỏ qua nhóm tiền này. Sự phân phối của những đồng tiền lỗ vùng từ trung tâm là Nghệ An Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam khiến ông nghĩ đến những thương cảng cổ của Việt Nam ở Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) thời Lý - Trần thế kỷ 11 đến 14. Thời này thì lãnh thổ Việt Nam chưa được mở rộng đến Thuận Hóa, Quảng Nam. Những cảng này nổi tiếng với mối liên hệ với Chăm Pa ở phía Nam, với Chân Lạp (Cambodia), đảo Hải Nam hay Ấn Độ, Mã Lai...
2. Thiệu Phong thủ
Thời Trần Dụ Tông nhà Trần, vào năm 1341 năm Thiệu Phong đầu tiên thì đồng Thiệu Phong nguyên bảo được đúc. Bộ thủ này có đồng tiền đại diện là đồng Thiệu Phong nguyên bảo kiểu tạp thư. Những đồng tiền trong bộ này có màu đồng hơn có sắc trắng và vàng nhạt, tiền hơi mỏng nhưng đường kính đủ và được chế tạo tốt. Hầu hết các đồng tiền trong bộ thủ này đều rất hiếm. Trong bộ thủ này, đồng số 1, 2 và 3 (Nguyên Phong thông bảo) được một số sách (sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam của Allan Barker hay sách An Nam lịch đại tiền khảo xếp vào tiền chính triều nhà Trần nhưng theo những tài liệu cũ thì các nhà sưu tập vẫn đăng trong sách Thủ loại tiền khảo. Những đồng tiền trong bộ này được viết theo kiểu triện thư đặc biệt, với quy cách mới của Việt Nam. Có một vài đồng viết kiểu triện thư nhưng lại có một chữ được viết hành thư nên rất dễ dàng để phân biệt với tiền Bắc Tống.
3. Xưng Pháp thủ
4. Thánh Nguyên thủ
5. Mẫu quốc thủ
Những đồng xu trong bộ này có điểm chung là đường kính nhỏ, lỗ vuông rộng, biên lỗ vuông hẹp (nhiều đồng khá vuông vắn), tiền được đúc khá tinh xảo. Chất đồng vàng pha sắc trắng. Có giả thuyết cho rằng những đồng trong bộ này được đúc bởi Tuyên Vũ Quân Tiết độ sứ Dương Quang thời Ngũ Đại vào năm Thiên Phúc thứ 2 nhưng một số người khác cho rằng những đồng xu này được đúc bởi nhà Tây Liêu. Trong bộ này có nhiều đồng mang tên tiền trùng với tên những đồng tiền của nhà Liêu nhưng thư thể (font chữ) lại viết theo kiểu khác. Ngoài ra, những đồng tiền còn lại trong bộ có cách chế tác là giống nhau nhưng niên hiệu trên tiền thì lại gồm cả niên hiệu tiền nhà Đường và nhà Bắc Tống. Bộ này có điểm khá giống với bộ ""Tỉnh quan Hi Ninh thủ".
6. Hoàng Ân thủ
7. Minh Tống thủ
8. Trảo Chính Long thủ
9. Biệt lô Chính Long thủ
10. Trường tự Trị Bình thủ
11. Nhất tâm Cảnh Đức thủ
12.Kết Thuần Hi thủ
13. Vạn Kiếp thủ
14. Tỉnh quan Hi Ninh thủ
15. Hiệp tự Thiên Thánh thủ
16. Dị thư Cảnh Hựu thủ
17. Khoát duyên thủ
18. Hi Nguyên thủ
19. Tường Phù thủ
20. Thiệu Phù thủ
21. Càn Nguyên thủ
22. Đại Đường thủ
23. Thiên Chí Chí Nguyên thủ
24. Nguyệt thông Thiên Hi thủ
25. Khoan thông Đại Quan thủ
26. Khai Nguyên thủ
27. Mang tự Tuyên Đức thủ
28. Thủy Quan thủ
29. Vĩnh Thịnh thủ
30. An Pháp thủ
31. Chú tả An Pháp thủ
32. Dụ Dân thủ
33. Ninh Dân thủ
34. Kiến Văn thủ
35. Tường Thánh thủ
36. Vĩnh Định thủ
37. Tường Nguyên thủ
Quyển trung
38. Thiên Bình thủ
39. Tiêm tự Thiên Bình thủ
40. Tiêm tự Nguyên Phong thủ
41. Tiêm tự Chí Đạo thủ
42.Tiếp quách Chí Đạo thủ
43. Quy bảo Chí Đạo thủ
44. Đại tự Hàm Bình thủ
45. Dị quốc Đường Quốc thủ
46. Thực tự Cảnh Đức thủ
47. Tước tự thủ
48. Lệ thông Trị Bình thủ
49. Tiểu tự Hàm Bình thủ
50. Tiểu tự Thuần Hi thủ
51. Tiểu tự Minh Đạo thủ
52. Quách bạt Khoan Vĩnh thủ
53. Chú tả bạch đồng thủ
54. Thánh bảo lược bảo thủ
55. Bối khoát duyên thủ
56. Bối tế duyên thủ
57. "Thư pháp bút bi"thủ
58. Bối quát khứ thủ
59. Nguyệt văn thủ
60. Ngạch luân Hàm Bình thủ
61. Phì tự Trị Bình thủ
62. Âm khởi văn thủ
63. Khảm đạt thủ
64. Trị Nguyên thủ
65. Long Đức thủ
66. Võng Chí Đạo thủ
67. Nguyên Long thủ
68. Nguyên Long thủ dạng
69. Hàm viên quách thủ
70. Viên xuyên thủ
71. Nam Vương thủ
Quyển hạ
72. Tường Tống thủ
73. Bình Nam thủ
74. Thiệu thừa thủ
75.Vĩnh Lợi thủ
76. Diên Cảnh Hưng thủ
77. Chính Nguyên thủ
78. Thuần Nguyên thủ
79. Hữu trường Nguyên Hựu thủ
80. Tiểu ninh Hi Ninh thủ
81. Viên bối Nguyên Phong thủ
82. Nguyên Phúc thủ
83. Sơn đầu Cảnh Đức thủ
84. Khiêu nguyên Nguyên Phúc thủ
85. Tán Hi Ninh thủ
86. Phương tự Thiệu Thánh thủ
87. Nhị vương Hoàng Tống thủ
88. Thủ loại Khoan Vĩnh loại
89. Thanh triều dân chú loại
90. Bất tri phẩm loại
(bài viết còn chưa hoàn thiện...)