Trong lịch sử, cuộc nội chiến giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài trải qua gần 50 năm (1627-1672) do đó nhu cầu dùng đồng để đúc súng đạn rất lớn. Sau chiến tranh, nhu cầu binh bị không còn cấp thiết nhưng Đàng Trong vẫn cần lượng lớn đồng để phục vụ cho việc đúc tiền đưa vào lưu thông. Khi đó, các thương nhân Nhật Bản nhận thấy nhu cầu này và có sáng kiến thu mua những loại tiền bị sụt giá ở Nhật Bản để bán cho Đại Việt. Những loại tiền bị sụt giá ở Nhật là những loại tiền do tư nhân đúc (tiếng Nhật là Shichusen 私鋳銭). Shichusen chia làm hai loại Shimasen (島銭) và Bitasen (鐚銭)
- Shimasen: là loại tiền không rõ nguồn gốc, được đúc và lưu thông ở Nhật Bản từ khoảng TK14. Khi đó, kỹ thuật đúc tiền chưa tinh xảo nên thư pháp và chất lượng tiền thường xấu. Ngoài những niên hiệu thường gặp ở tiền Bắc Tống thì còn các đồng tiền mang niên hiệu lạ như Tống Khai Thánh Bảo, Nguyên Khai Thông Bảo, Nhật Thiên Thông Bảo... Đặc điểm của loại tiền này là chữ to và nghiêng ngả, nhiều đồng không đọc nổi chữ.
- Bitasen: có nghĩa là tiền xấu nhưng thực ra nhiều đồng đúc rất công phu, tinh xảo. Sở dĩ có tên gọi tiền xấu vì Bitasen khác Shimasen ở chỗ thư pháp của đồng tiền mẫu Trung Quốc bị cắt xén, sửa chữa; hợp kim để đúc có khi bị pha trộn những kim loại rẻ như sắt, chì.
Dưới đây, tôi xin giới thiệu một số loại bitasen nổi tiếng, được liệt kê trong sách Tiền cổ Việt Nam của hai tác giả Lục Đức Thuận và Võ Quốc Kỵ.
1. Nguyên Phong thông bảo "Vân Phong Nguyên Phong": phần dưới chữ Phong được sửa chữa khiến chữ Phong trông như chữ Vân
2. Cảnh Đức nguyên bảo "Sơn Cảnh Đức". Bộ Viết ở phần đầu của chữ Cảnh được sửa giống chữ Sơn
3. Trị Bình nguyên bảo "Ngột Nguyên Trị Bình": nét ngang trên đầu của chữ Nguyên mất đi trông giống chữ Ngột.
4. Thiên Thánh nguyên bảo "Nhị vương Thiên Thánh": phần trong chữ Bảo là hai chữ Vương
5. Hoàng Tống thông bảo "Nhị vương Hoàng Tống": bộ Nhĩ trong chữ Bảo bị sửa thành bộ Vương nên trong chữ Bảo có hai chữ Vương
6. Nguyên Phong thông bảo "Nhị Bảo Nguyên Phong": bộ Vương và bộ Nhĩ trong chữ Bảo bị sửa thành chữ Nhị
7. Nguyên Phong thông bảo "Khiêu Nguyên Điền Thông": chữ Nguyên bị sửa dáng trông như đang khiêu vũ và có bộ Điền trong chữ Thông
Bài viết tham khảo tư liệu trong sách Tiền cổ Việt Nam xuất bản 2009, Đông Dương cổ tiền đồ lục và một số tư liệu khác trên wikipedia.
Tác giả: Nguyễn Bắc Hải