Khai Nguyên thông bảo 開元通寶 là những đồng tiền được đúc từ năm 621 thời Cao Tổ nhà Đường và được duy trì trong suốt triều đại nhà Đường cho đến năm 907. Đây cũng là đồng tiền đầu tiên được sử dụng hai chữ Thông Bảo (đồng tiền thông dụng) gắn với tên niên hiệu, khác với những đồng tiền trước đó thường có tên gọi dựa vào trọng lượng của đồng tiền như Bán Lạng, Ngũ Thù... Cách gọi đồng tiền dùng niên hiệu gắn với hai chữ Thông bảo sau này trở nên thông dụng ở Trung Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lưu Cầu và Việt Nam. Cách gọi tiền tệ này trở thành tiêu chuẩn của những nước đồng văn cho đến khi những đồng tiền Thông Bảo cuối cùng được đúc vào những năm 1940 ở liên bang Đông Dương.
Những đồng Khai Nguyên thông bảo thời kỳ đầu của nhà Đường có phong cách thư pháp rất đẹp, chữ đúc sắc sảo, chất đồng để đúc ra tiền cũng rất tốt. Nhiều đồng gần như không bị rỉ sau cả ngàn năm. Đường kính tầm 26mm và cân nặng gần như nhau. Thư pháp trên đồng Khai Nguyên thông bảo thời kỳ này được viết bởi Âu Dương Tuân (557-641) - một trong bốn nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường. Lối viết Khải thư của ông được tán dương là cực kỳ khuôn phép "khải thư cực tắc" nên những nhà thư pháp sau này mô phỏng theo và gọi nó là Âu thể. Những đồng Khai Nguyên thông bảo thời kỳ này thường không có kỳ hiệu ở mặt sau, một số có hình trăng, chấm hoặc gạch ngang ở một hay nhiều vị trí trên, dưới, trái, phải... của lỗ vuông.
Dưới đây là một số loại Khai Nguyên thông bảo đúc thời kỳ đầu.
Hình 1: Một số đồng Khai Nguyên thông bảo nhà Đường thời kỳ đầu (từ trái sang phải: chấm dưới chữ Thông, Nguyên hất trái mặt sau có gạch 9h Nguyên cân, Nguyên hất phải)
Từ năm Hội Xương (841-845) thời Đường Vũ Tông, nhà Đường cho đúc các loại Khai Nguyên thông bảo mặt sau có chữ Hán để chỉ nơi đúc tiền, thường được gọi là Hội Xương Khai Nguyên. Đường Vũ Tông là một người theo Đạo giáo, chủ trương diệt Phật giáo. Trong 5 năm Hội Xương, ông đúc các loại Khai Nguyên thông bảo sử dụng vật liệu đồng lấy được bằng cách nung chảy những đồ tượng Phật, chuông, lò đốt trầm hương hay những vật dụng bằng đồng khác lấy từ những ngôi chùa Phật giáo. Những đồng Khai Nguyên thông bảo thời này có đường kính nhỏ hơn thời đầu (tầm 24-25mm), chế tác và thư pháp cũng không được đẹp, rõ ràng như những đồng Khai nguyên thông bảo thời đầu. Khi vua Đường Tuyên Tông lên ngôi vào năm 846, những chính sách trên bị bãi bỏ và những đồng Hội Xương Khai Nguyên này lại được nung chảy để đúc lại thành tượng Phật.
Bảng dưới đây liệt kê một số loại chữ chỉ nơi đúc tiền ở mặt sau đồng Khai Nguyên thông bảo đúc trong niên hiệu Hội Xương (Hội Xương Khai Nguyên)
Ký hiệu (Phồn thể) | Ký hiệu (Giản thể) | Hán Việt | Nơi đúc | Hình ảnh |
---|---|---|---|---|
昌 | 昌 | Xương | Hội Xương (Cám Châu) | |
京 | 京 | Kinh |
Kinh Triệu phủ (Tràng An) |
|
洛 | 洛 | Lạc | Lạc Dương | |
益 | 益 | Ích | Ích Châu | |
荊 | 荆 | Kinh | Kinh Châu | |
襄 | 襄 | Tương | Tương Châu | |
藍 | 蓝 | Lam | Lam Điền (Thiểm Tây) | |
越 | 越 | Việt | Việt Châu (Chiết Giang) | |
宣 | 宣 | Tuyên | Tuyên Thành (An Huy) | |
洪 | 洪 | Hồng | Hồng Châu (Giang Tây) | |
潭 | 潭 | Đàm | Trường Sa | |
兗 | 兖 | Duyện | Duyện Châu (Sơn Đông) | |
潤 | 润 | Nhuận | Giang Tô | |
鄂 | 鄂 | Ngạc | Ngạc Châu (Hồ Bắc) | |
平 | 平 | Bình | Bình Châu | |
興 | 兴 | Hưng | Hưng Nguyên | |
梁 | 梁 | Lương | Lương Châu | |
廣 | 广 | Quảng | Quảng Châu | |
梓 | 梓 | Tử | Đông Xuyên (Côn Minh) | |
福 | 福 | Phúc | Phúc Châu | |
桂 | 桂 | Quế | Quế Dương hoặc Quế Châu | |
丹 | 丹 | Đan | Đan Châu | |
永 | 永 | Vĩnh | Vĩnh Châu |
Hình 2: Một số đồng Hội Xương Khai Nguyên (từ trái sang: Lạc, Đan, Lương, Tử, Duyện)
Sau khi nhà Đường sụp đổ, Khai Nguyên thông bảo vẫn tiếp tục được đúc và lưu hành bởi một số nước khác nhau trong thời Ngũ Đại Thập Quốc.
Hình 3: Đồng Khai Nguyên thông bảo chữ triện nhà Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc
Ở Việt Nam, đến nay có phát lộ một số mẫu tiền Khai Nguyên thông bảo có cách chế tác, thư pháp khác hẳn với những đồng Khai Nguyên thông bảo thời Đường hay Ngũ Đại Thập Quốc. Những nhà sưu tập ở Việt Nam hay quen gọi đó là tiền Khai Nguyên phỏng đúc thời Lê Trung Hưng - Mạc.
Hình 4: Một số đồng Khai Nguyên thông bảo của Việt Nam (từ trái sang: Minh Tống thủ, Trảo Chính Long thủ)
(Thế giới cổ tiền - Biên dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn)