Ngày 21-6-1922, Kervan, nhà truyền giáo Bỉ, tới huyện Batingue Nội Mông (Trung Quốc) giảng đạo. Ông được tín đồ dẫn tới xem một ngôi một cổ bị bọn trộm đào tanh bành. Ông phát hiện một tấm bia đá khắc chi chít ký hiệu tựa như văn tự rất kỳ lạ mà dân địa phương gọi là thiên thư (sách trời). Theo khảo chứng, đây là mộ của một người Khiết Đan qua đời khoảng 900 năm trước.
Khiết Đan (Qidan) nguyên nghĩa là “Thép gió”, hàm ý cực kỳ rắn chắc, bền vững. Đây là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh. Từ hơn 1.400 năm trước, Khiết Đan là dân tộc miền Bắc Trung Quốc với binh hùng tướng mạnh, kiêu dũng thiện chiến. Một thủ lĩnh bộ lạc tên là Yelii Abaoji (Gia Luật A Bao Cơ) thống nhất các bộ lạc Khiết Đan. Năm 916, ông dựng nên nước Khiết Đan, tới năm 947 đổi quốc hiệu là Đại Liêu.
Vương triều Khiết Đan quốc hiệu Đại Liêu hùng cứ tại miền Bắc Trung Quốc kéo dài hơn 200 năm, với triều Bắc Tống hình thành cục diện đối địch. Trong thời kỳ này, con đường tơ lụa thông thương từ Trung Quốc sang phương Tây bị cắt đứt, dẫn tới các quốc gia vùng lục địa Á Âu tưởng nhầm là toàn bộ đất nước Trung Quốc đều đã nằm dưới sự thống trị của tộc người Khiết Đan. Thế là Khiết Đan bỗng trở thành từ đại diện cho Trung Quốc.
Marco Polo lần đầu tiên viết trong cuốn du ký của mình giới thiệu phương Đông với thế giới phương Tây, đã lấy Khiết Đan đặt tên cho Trung Quốc. Tới tận ngày nay, các nước nói tiếng Slave vẫn gọi Trung Quốc là Khiết Đan (Kitan hay Kitai).
Theo ghi chép thì Đại Liêu đối đầu với Bắc Tống hơn 160 năm. Cuối cùng, nước tiêu diệt Đại Liêu lại là tộc người Nữ Chân (Niizhen) từng phụ thuộc tộc người Khiết Đan.
Thủ lĩnh của tộc người Nữ Chân là Wanyan Aguda (Hoàn Nhan A Cốt Đả) dẫn đại quân công thành cướp đất Đại Liêu, dựng nên nhà Kim năm 1115. 10 năm sau, nhà Liêu bị diệt bởi nhà Kim.
Một bộ phận người Khiết Đan may mắn sống sót tập hợp các thành viên hoàng gia di tản về phía Tây, dựng nên triều Tây Liêu tại vùng Tân Cương. Họ lập nước Ha Lạt Khiết Đan (Hala Qidan). Đế quốc này một thời cường thịnh nhưng cuối cùng lại bị đại quân của Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) tiêu diệt. Về sau, thế lực tàn dư Khiết Đan dạt tới miền Nam Iran ngày nay và dựng nên vương triều Qierman. Không lâu sau, vương triều này cũng tàn lụi.
Nhà Đại Liêu (Khiết Đan) cho đúc nhiều loại tiền cổ, dưới đây là một số loại thông dụng, thường được tìm thấy ở Việt Nam
- Trọng Hi thông bảo - Liêu Hưng Tông (1032-1055)
- Thanh Ninh thông bảo - Liêu Đạo Tông (1055-1064)
- Hàm Ung thông bảo - Liêu Đạo Tông (1065-1074)
- Đại Khang thông bảo và Đại Khang nguyên bảo - Liêu Đạo Tông (1075-1084)
- Đại An nguyên bảo - Liêu Đạo Tông (1095-1101)
- Thọ Xương nguyên bảo - Liêu Thiên Tộ Đế (1101-1110)
- Thiên Khánh nguyên bảo - Liêu Thiên Tộ Đế (1111-1120)
Hình: Một số đồng tiền cổ nhà Đại Liêu (từ trái qua: Đại An nguyên bảo, Đại Khang nguyên bảo, Đại Khang thông bảo, Thọ Xương thông bảo, Thiên Khánh nguyên bảo, Hàm Ung nguyên bảo, Thanh Ninh thông bảo, Trọng Hi thông bảo)
(Tổng hợp dựa trên bài viết của tác giả Bùi Hữu Cường trên nguyệt san báo pháp luật Tp. HCM 1-2020 và một số tư liệu khác)