Bài 49. ĐÔI ĐIỀU VỀ VUA LÊ DỤ TÔNG & ĐỒNG TIỀN VĨNH THỊNH THÔNG BẢO.
[ CM. NGẮM ĐỒNG TIỀN, ÔN LỊCH SỬ]
Vua Lê Dụ Tông, tên húy Lê Duy Đường ( 1679 - 1731 ), là con trai trưởng của vua Lê Hy Tông. Ông là vị hoàng để thứ 11 thời Lê Trung Hưng ( Thứ 22 thời hậu Lê ), trị vì từ 1705 - 1729; thái thượng hoàng từ năm 1729 - 1731. Quá trình 24 năm ở ngôi vua, gần 2 năm trên cương vị Thái thượng hoàng, cái chết của ông, rồi đến phần mộ & xác ướp của ông sau này... có rất nhiều điều muốn nhắc đến. Tôi xin trân trọng lược ôn lại mấy điểm sau:
1. Lê Dụ Tông được sử sách ca ngợi là vị vua anh minh đức độ bậc nhất thời Lê Trung hưng.
Trong thời gian ở ngôi, ông sử dụng 2 niên hiệu: Vĩnh Thịnh (1706 - 1719), Bảo Thái ( 1720 - 1729).
2. Từ năm 1706 - 1719, ông sử dụng niên hiệu Vĩnh Thịnh & cho đúc tiền Vĩnh Thịnh thông bảo.
3. Niên hiệu Bảo Thái từ năm 1720 - 1729, ông cho đúc tiền Bảo Thái TB. Niên hiệu này có câu chuyện dân gian, liên quan đến nhân vật Nguyễn Quỳnh nhan đề " Tiên sư thằng bảo thái ". Câu chuyện này cũng chứa đựng nhiều điều cần chia sẻ, tôi sẽ có bài viết riêng bàn về việc này sau.
4. Câu chuyện về xác ướp của nhà vua Lê Dụ Tông: Lê Dụ Tông mất năm 1731 tại Hà Nội - được đưa về an táng tại quê Thanh Hóa - năm 1958 mộ ông phát lộ - năm 1964 khai quật - đưa về bảo quản tại hầm nhà BT Lịch sử 36 năm ( từ năm 1964 đến năm 2010 ) - năm 2010 thi hài của ông trở về Thanh Hóa chôn cất đúng nơi xưa được phát hiện ra.... Giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu tốn nhiều công sức với các đề tài & bài viết về ông.
Với phạm vi bài viết này, tôi chỉ ôn lại đôi nét về đồng tiền cổ Vĩnh Thịnh Thông Bảo. Vua Lê Dụ Tông lấy niên hiệu đầu tiên của mình là Vĩnh Thịnh với mong muốn triều đại nhà Lê Trung Hưng cũng như đất nước được mãi mãi hưng vượng, phồn vinh. Đây đúng là một khát vọng cao đẹp, lớn lao mà vất kỳ vị minh quân nào cũng muốn dành cho đất nước, nhân dân. Tiền xu cổ Vĩnh Thịnh Thông Bảo được đúc trong thời gian vua Lê Dụ Tông sử dụng niên hiệu Vĩnh Thịnh. Tiền cổ Vĩnh Thịnh Thông Bảo được đúc bằng đồng, hình tròn ở giữa có lỗ vuông tượng trưng cho quan niệm “trời tròn đất vuông” của người Việt thời cổ. Mặt trước của đồng tiền có ghi bốn chữ Hán Vĩnh Thịnh Thông Bảo (永 盛 通 寶) đọc chéo theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, mặt lưng thường có chữ Tị (巳) – một số sách đã nhầm lẫn giữa chữ Tị (巳) và chữ Kỷ (己) vì hai chữ này có mang các nét viết khá tương đồng nhau. Ngoài ra cũng có một số dạng tiền Vĩnh Thịnh Thông Bảo có mặt lưng để trơn. Trong đó hai chữ Vĩnh Thịnh chỉ niên hiệu của vua, hai chữ Thông Bảo chỉ loại tiền được lưu thông phổ biến trong cả nước. Còn chữ Tị ở mặt lưng đồng tiền là tượng trưng cho năm đúc ra đồng tiền – năm Quý Tị (1713).
Tiền Vĩnh Thịnh thông bảo được tìm thấy ngày nay có chất lượng đồng còn tương đối tốt, nhiều dạng chữ biến thể phong phú nhưng thường các nét chữ không được rõ ràng. Và đặc biệt hầu hết các đồng tiền xu cổ Vĩnh Thịnh Thông Bảo đều có chữ Tị ở mặt lưng đã cho ta thấy được mong muốn nhanh chóng khẳng định quyền uy nên ông đã cho huy động rất nhiều lò đúc các nơi trong nước và đúc tiền nhiều đợt khác nhau trong cùng một năm Quý Tị - 1713.
Tuy vậy ngày nay tiền Vĩnh Thịnh Thông Bảo còn phát hiện được tương đối dễ gặp và là một trong những hiệu tiền phổ thông trong giới sưu tập. Nhưng những điều vô cùng thú vị về nguồn gốc ra đời cũng như những ý nghĩa sâu sắc cùng các đặc điểm trên đồng tiền đã khiến nó vẫn có một giá trị nhất định trong mắt những người đam mê tìm tòi nghiên cứu về văn hóa dân tộc.
( Nguồn tổng hợp trên mạng internet )
Mời cả nhà ngắm vài dạng xu Vĩnh Thịnh thông bảo, để ôn về cuộc đời & đôi dòng liên quan đến vị hoàng đế thứ 11 nhà Lê Sơ.
Bài viết đăng trên fanpage của CLB sưu tầm Tháng Mười của nhà sưu tập Nguyễn Yên ngày 29-7-2023
Dưới đây là một số hình ảnh minh họa cho bài viết của nhà sưu tập Nguyễn Yên.
Hình 1: Đồng xu cổ Vĩnh Thịnh thông bảo lưng có chữ Tỵ khá dài và ngay ngắn, đầu chữ Thông có dạng hình vuông. Tiền Vĩnh Thịnh có mặt trước đúc khá chuẩn, tuy nhiên mặt sau thường bị dịch khuôn, xoay khuôn nên thường chữ Tỵ không được đẹp, nhiều khi bị dịch lên, xuống... Có đồng chữ Tỵ bị dịch hẳn ra biên tiền hoặc nằm ở vị trí khác chứ không phải vị trí góc 9h. Đồng này mặt sau cũng hơi bị dịch khuôn xuông dưới nên mất gờ biên trên của lỗ vuông.
Hình 2. Đồng Vĩnh Thịnh thông bảo lưng có chữ Tỵ nhỏ hơn hình 1, đầu chữ Thông hình tam giác.
Hình 3: Đồng Vĩnh Thịnh thông bảo chất liệu đồng đỏ, lưng trơn không có chữ. Chữ Bảo dài và chân chữ Bảo hơi đá nhẹ, chữ Thịnh nhỏ và hơi nghiêng. Đồng này mang đặc điểm tiền đồng đỏ Đàng Trong đúc, thường được cho là tiền không chính triều, không phải do vua Lê Dụ Tông cho đúc.