Vua Lê Thần Tông có tên là Lê Duy Kỳ, ông là vị hoàng đế thứ 6 của triều Lê Trung Hưng và thứ 17 của triều Hậu Lê. Lê Thần Tông là một ông vua rất đặc biệt trong lịch sử bởi chỉ có duy nhất ông là có hai lần lên ngôi, có đến bốn người con đều làm vua. Và ông còn là vị vua đầu tiên của Việt Nam lấy vợ phương Tây, cũng như có nhiều vợ là người các dân tộc khác nhau. Lê Thần Tông sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh với nhà Mạc cơ bản chấm dứt, nhưng nhà Lê lúc này đã mất quyền lực vào tay của họ Trịnh. Điều đó khiến vua cha Kính Tông bất bình, liên kết với người con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân (cậu của Duy Kỳ, muốn tranh ngôi con trưởng của Trịnh Tráng) định lật đổ Trịnh Tùng. Việc không thành, tháng 5 năm 1619, ông ngoại Trịnh Tùng buộc vua cha Kính Tông thắt cổ chết, rồi lập Lê Duy Kỳ, khi mới 12 tuổi, lên làm vua mới, tức là Lê Thần Tông Thời gian mà vua Lê Thần Tông ở ngôi trị vì là lúc cuộc chiến tranh giữa họ Trịnh và họ Nguyễn ở phía Nam Việt Nam khi ấy bùng nổ vô cùng ác liệt. Cả hai họ đều nhân danh “Phù Lê” để chống lại nhau. Đây chính là thời kỳ mà ngày nay chúng ta quen gọi là “Trịnh – Nguyễn phân tranh” .
Đồng xu cổ Vĩnh Thọ thông bảo là đồng tiền được vua Lê Thần Tông cho đúc trong thời gian ông sử dụng niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 – 1662). Mặt trước của đồng tiền được ghi bốn chữ Hán Vĩnh Thọ Thông Bảo, trong đó hai chữ Vĩnh Thọ là chỉ niên hiệu vua, với ý nghĩa là tuổi thọ kéo dài vĩnh viễn. Hai chữ Thông Bảo để chỉ loại tiền thông dụng được lưu thông phổ biến trong cả nước. Niên hiệu Vĩnh Thọ của vua Lê Thần Tông thể hiện mong muốn sống đủ lâu của ông để có thể chấm dứt chiến tranh Trịnh – Nguyễn, lập lại hòa bình ổn định cho cuộc sống của nhân dân. Cũng có thể đó là một lời chúc tốt đẹp của nhà vua gửi gắm đến cho người dân được sống lâu vừng bước vượt qua gian nan, khó khăn để hướng tới một cuộc sống yên bình, sung túc.
Đồng xu cổ Vĩnh Thọ thông bảođúc trong thời kỳ nội chiến Bắc Nam kéo dài nên việc đúc tiền thiếu sự quản lý chặt chẽ của trung ương. Điều này tạo nên vô số các biến thể về thư pháp. Có những đồng tiền mỏng, nhỏ, chữ nghĩa dính nhau, không rõ ràng, thiếu quy chuẩn. Cũng có những đồng Vĩnh Thọ thông bảo to, dày, chữ nghĩa rõ ràng ngay ngắn. Sách An Nam Lịch Đại Tiền Khảo của tập thể các tác giả Nhật Bản liệt kê tới 166 loại tiền xu Vĩnh Thọ thông bảo với thư pháp, chế tác khác nhau. Trên thực tế, nếu phân loại dựa trên cả về kích cỡ đồng tiền thì còn tồn tại số lượng nhiều hơn con số 166 trên.
Hình: Ba đồng xu cổ Vĩnh Thọ thông bảo thư pháp khác nhau. Đồng đầu tiên là dạng hay gặp, đồng thứ hai và thứ ba là dạng ít gặp (đặc biệt là đồng thứ hai)
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)