Lê Trang Tông (1515 - 1548), tên thật là Lê Duy Ninh, là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Hậu Lê và là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lê Trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông còn được dân gian ưu ái đặt cho mỹ danh nghèo nàn là Chúa Chổm.
Trang Tông là con của Chiêu Tông. Lúc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông được Lê Quán cõng chạy sang Ai Lao. Đến năm 1533, được cựu thần Nguyễn Kim đón về làm vua, tái lập triều đại. Đến khoảng đầu thập niên 1540, quân Lê chiếm lại hai vùng Thanh Hóa và Nghệ An làm căn cứ chống lại nhà Mạc, mở ra giai đoạn Nam - Bắc triều.
Xung quanh cuộc đời vua Lê Trang Tông có nhiều giai thoại dân gian. Tương truyền rằng, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi đã giam vua Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà, nhà vua giấu được ấn “ngọc tỷ truyền quốc”. Có cô bán rượu xinh đẹp, ăn nói có duyên, người làng Lủ (Kim Lũ) gần bên sông Tô Lịch thường mang rượu, bánh đến bán cho lính canh ngục, thấy vua bị giam cô rất thương tình. Cha cô trước là một viên quan nhỏ của nhà Lê, đau lòng trước cảnh nhà Lê gặp vận suy vong mà vua chưa có con nối nghiệp, nên đã bày cho con gái chuốc rượu cho quân canh, rồi lẻn vào với vua. Khi được tin cô có thai, Chiêu Tông lén giao cho cô chiếc ấn ngọc tỷ truyền quốc và dặn trốn đi, sau này nếu sinh được con trai thì đó là ý trời muốn nhà Lê còn cơ hội trung hưng, đứa con trai đó sẽ có ngày phục thù cho nhà Lê.
Sau đó, Chiêu Tông bị Mạc Đăng Dung giết. Cô gái làng Lủ nhớ lời dặn của vua, trốn đi nơi khác, sinh ra con trai đặt tên là Chổm. Nhà nghèo, Chổm phải đi làm thuê và kiếm củi nuôi mẹ. Những lần vào thành bán củi thường la cà vào ăn ở các quán cơm cửa ô, ăn chịu rất nhiều. Chổm lớn lên nhà nghèo, phải đi vay mọi người để sống qua ngày và hứa sẽ trả đủ nợ khi thành đạt.
Sau đó vài năm, có Nguyễn Kim là vị tướng trung thành với triều Lê, muốn phù Lê diệt Mạc. Ông muốn tìm dòng dõi vua Lê để tái lập triều đình nên đã cải trang ra Bắc thăm dò. Một đêm, có vị thần báo mộng “Đón ở sông Tô, thấy ai "cờ son, nón sắt" đấy chính là nhà vua đấy!”. Hôm sau, Nguyễn Kim chờ đến trưa mới thấy một bè củi lờ đờ trôi đến. Trời mưa, anh chàng trên bè đội chảo gang nấu kẹo thay nón, tay cầm cây sào có quấn cái khố đỏ. Ông đoán ra "cờ son, nón sắt" chắc là đây, bèn gọi vào hỏi gia thế và nhờ đưa về gặp mẹ. Mẹ Chổm khi biết rõ đây là cựu thần trung thành có chí phò tá nhà Lê mới đưa ngọc tỷ truyền quốc ra và kể đầu đuôi. Hai mẹ con Chổm được bí mật đưa về Ái châu (Thanh Hóa), Chổm được tôn lên làm vua.
Công cuộc diệt Mạc thắng lợi, Chổm trở lại kinh thành Thăng Long. Khi đi qua làng cũ chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn, một số người bán chịu cho Ninh ngày xưa đổ lại đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm chức gì nhưng thấy được đi xe giá, quân lính hộ vệ thì chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường, chỉ tay vào nhà vua mà đòi nợ.
Nhà vua không biết mình nợ ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng để trừ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ không được khi quân chỉ tay xúc phạm nhà vua. Do đó con đường nhỏ có tên là Cấm Chỉ - ngõ có tên tồn tại đến ngày nay ở Hà Nội.
"Nợ như chúa Chổm" trở thành một thành ngữ chỉ những người thiếu nợ quá nhiều. Người đời có câu ca dao:
Vua Ngô ba sáu tấn vàng,
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì.
Chúa Chổm mắc nợ tì tì,
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô?
Đoạn cuối của giai thoại này chắc chắn là không có thật. Trên thực tế Lê Duy Ninh qua đời năm 1548, khi đó nhà Lê vẫn chưa khôi phục được kinh thành Thăng Long.
Hình dưới đây là một số đồng tiền Nguyên Hòa thông bảo, được đúc dưới thời Chúa Chổm - Lê Trang Tông.
Những đồng Nguyên Hòa này rất giống với nhiều đồng tiền trong bộ Minh Tống thủ hay Hoàng Ân thủ như Tống Nguyên thông bảo, Thiên Hi thông bảo, Huyền Thông tuân bảo... (theo sách An Nam thủ loại tiền khảo) về chế tác, thư pháp... và thường xuất lộ trong cùng hũ. Nên rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những đồng tiền trong bộ Minh Tống thủ và Hoàng Ân thủ được đúc cùng thời với Nguyên Hòa thông bảo của Lê Trang Tông.
(tổng hợp từ nhiều nguồn)