Nhà Lý là một triều đại quân chủ Việt Nam, bắt đầu khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào 1009 sau khi giành được quyền lực từ nhà Tiền Lê. Triều đại này trải qua 9 vị hoàng đế, tổng cộng là 216 năm và chấm dứt khi Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới có 7 tuổi, bị ép phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225.
Lý Thái Tông (1000-1054) là vị hoàng đến thứ hai của nhà Lý, cai trị trong 26 năm từ 1028-1054. Ông là một vị hoàng đế rất tài giỏi. Thời đại của ông cùng con ông là Lý Thánh Tông và cháu ông là Lý Nhân Tông được sử gọi là Bách niên thịnh thế (thời kỳ thịnh vượng của nhà Lý). Đồng tiền cổ Minh Đạo nguyên bảo, được cho đúc vào niên hiệu Minh Đạo (1042-1043) đã cho thấy sự giàu có và phát triển của thời đại này.
Hình 1: Đồng tiền Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý, có chữ Nguyên thấp
Hình 2: Đồng tiền Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý, có chữ Nguyên cao
Tiền cổ Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý được đúc bằng đồng, có bốn chữ Hán: Minh (12h), Đạo (3h), Nguyên (6h) và Bảo (9h). Cách đọc là Minh Đạo nguyên bảo, theo chiều kim đồng hồ từ chữ Minh ở góc 12h. Cách đọc này được gọi là "đọc vòng". Một số đồng tiền ở thời kỳ khác có cách đọc đối, tức là đọc theo thứ tự 12h, 6h, 3h và 9h. Tiền Minh Đạo nhà Lý được đúc dày dặn, có đường kính trên dưới 23mm, cân nặng từ khoảng 2,5gr-4gr. Thư pháp tiền Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý khá đồng nhất, nhưng dựa vào đặc điểm chữ Nguyên mà ta có thể chia ra làm hai loại chính:
- Loại chữ Nguyên thấp: nét phảy dưới bên trái của chữ Nguyên (chân trái chữ Nguyên) cho thấy độ cong lớn, chỉ dính một chút vào nét gạch ngang ở trên. Bộ Nhật và Nguyệt chữ Minh có vẻ mập, to hơn.
- Loại chữ Nguyên cao: chân trái chữ Nguyên có dạng kéo thẳng xuống sau đó mới cong sang trái. Chân trái dính hoàn toàn vào nét gạch ngang của chữ Nguyên. Bộ Nhật và Nguyệt chữ Minh gầy, mảnh hơn. Loại chữ Nguyên cao có độ hiếm và giá trị cao hơn loại chữ Nguyên thấp một chút.
Thời Tống Nhân Tông ở bên Trung Quốc cũng có xuất hiện niên hiệu Minh Đạo (1032-1033). Người ta cũng tìm thấy những đồng tiền đường kính trên dưới 25mm có ghi 4 chữ Hán Minh Đạo nguyên bảo. Nhiều bạn mới chơi hay bị nhầm lẫn giữa những đồng tiền Minh Đạo nguyên bảo của nhà Lý và những đồng Minh Đạo nguyên bảo của Trung Quốc. Hình 3 dưới đây cho thấy một đồng Minh Đạo nguyên bảo của nhà Bắc Tống.
Hình 3: Minh Đạo nguyên bảo nhà Bắc Tống - Tống Nhân Tông (1032-1033)
Cách phân biệt Minh Đạo Bắc Tống và Minh Đạo Việt Nam. Đơn giản nhất các bạn hãy nhìn vào chữ Nguyên. Chữ Nguyên nhà Lý (dù là Nguyên cao hay Nguyên thấp) thì có hai chân cân đối, xuất phát từ khu vực giữa của nét ngang ở trên. Trong khi đó, hai chân chữ Nguyên tiền nhà Tống thì có điểm xuất phát từ nửa bên phải của nét ngang, chân trái chữ Nguyên cong nhẹ và kéo dài hẳn ra ngoài phạm vi nét ngang ở trên. Nhìn chi tiết hơn thì cả ba chữ Minh, Đạo và Bảo của tiền Bắc Tống cũng đều khác hẳn so với tiền nhà Lý.
Ngoài hai loại chính là Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý và Minh Đạo nguyên bảo nhà Bắc Tống. Trong quá trình sưu tập các bạn có thể bắt gặp những loại Minh Đạo nguyên bảo khác, cũng là tiền Việt Nam nhưng được đúc lại sau này vào thời Lê Trung Hưng - Mạc. Đặc điểm chung của những đồng tiền Minh Đạo nguyên bảo phỏng đúc là phần lớn có đường kính nhỏ hơn, mỏng hơn tiền nhà Lý. Một số đồng có form tiền tương tự tiền nhà Lý nhưng lại có thư pháp khác với chữ viết méo mó, nguệch ngoạc... Đôi khi bạn có thể bắt gặp những đồng tiền Minh Đạo phỏng đúc với thư pháp gần giống thư pháp tiền nhà Lý. Những bạn mới bước chân vào sưu tập tiền rất có thể bị nhầm lẫn những đồng này với tiền Minh Đạo nguyên bảo nhà Lý.
Hình 4: Minh Đạo nguyên bảo phỏng đúc thời kỳ Lê Trung Hưng - Mạc
Hình 5: Minh Đạo nguyên bảo phỏng đúc thời kỳ Lê Trung Hưng - Mạc
Tuy số lượng đồng xu cổ Minh Đạo nguyên bảo còn tồn tại ngày nay không còn nhiều, nhưng giá trị văn hóa và lịch sử của chúng vẫn được những nhà sưu tập tôn vinh. Đồng xu cổ Minh Đạo nguyên bảo là một mảnh ghép quan trọng trong câu chuyện của tiền chính triều Việt Nam, đồng thời là một biểu tượng tuyệt vời cho sự thịnh vượng và sự lãnh đạo tài ba của triều đại nhà Lý.
Bài viết và hình ảnh thuộc sở hữu của Thế giới cổ tiền (https://thegioicotien.com)