Năm 1442, Lê Thái Tông đột ngột qua đời, triều đình đưa thái tử Bang Cơ còn nhỏ lên ngôi báu, lấy niên hiệu là Thái Hòa (1443-1453) và sau đó là niên hiệu Diên Ninh (1454-1459), miếu hiệu là Nhân Tông.
Sử không chép gì về việc đúc tiền Thái Hòa thông bảo, nhưng vào niên hiệu Diên Ninh thì Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép như sau:" Giáp Tuất, Diên Ninh năm thứ nhất (1454)... mùa xuân, tháng giêng đúc tiền Diên Ninh...". Niên hiệu Diên Ninh không trùng với bất cứ vị vua nào khác cả của Việt Nam lẫn Trung Quốc nên có thể chắc chắn là tiền do Lê Nhân Tông cho đúc. Tiền Diên Ninh thông bảo hay được tìm thấy cùng các lại tiền thời Lê sơ như Thiệu Bình thông bảo, Hồng Đức thông bảo... Tiền đúc tốt, to, dày, đường kính trên dưới 25mm. Tiền Diên Ninh được phân ra làm nhiều loại, trong đó hiếm gặp nhất là loại Diên Ninh hai gạch (người Nhật Bản hay Trung Quốc hay gọi là Mãnh Diên Ninh vì có bộ Mãnh trong chữ Ninh)
Về tiền Thái Hòa thông bảo, tiền Thái Hòa thông bảo được cho là đúc vào thời Lê Nhân Tông thường có đường kính trên dưới 24mm, chất liệu đồng. Vẫn còn nhiều nhà nghiên cứu hay nhà sưu tập tranh cãi về việc đọc là Đại Hòa thông bảo hay Thái Hòa thông bảo vì thấy trên tiền viết chữ Đại 大 chứ không phải chữ Thái 太. Xin giải thích rõ ràng về vấn đề này như sau:
Chữ 大 (chúng ta hay quen đọc là chữ Đại) thực ra có hai cách đọc và Đại hoặc Thái. Như trong tiếng Nhật, 大 có thể đọc là Tai, Dai hoặc Oo... Như vậy niên hiệu 大和 có thể đọc là Đại Hòa hoặc Thái Hòa. Vậy người thời Lê Nhân Tông đọc theo cách nào? Trên tấm bia bên phải dưới cổng Thanh Hư cung ở phủ Tây Hồ có ghi niên hiệu là Thái Hòa tam niên, bia tạc rõ ràng chữ 太和. Chữ 太和 chỉ có một cách đọc là Thái Hòa, như vậy có thể thấy thời Lê Nhân Tông, người ta đọc niên hiệu là Thái Hòa, viết là 太和 hoặc 大和. Cách đọc tên đồng tiền phải trùng với cách đọc tên niên hiệu, vậy theo chúng tôi thì tiền phải được đọc là Thái Hòa thông bảo chứ không thể đọc là Đại Hòa thông bảo.
Một số nhà sưu tập có sưu tập được tiền Thái Hòa thông bảo, có nét chấm dưới chữ 大 nên trở thành chữ 太. Theo chúng tôi, đây chỉ là vết đồng nằm đúng vị trí mà thành như vậy. Tuy nhiên, theo luận cứ ở đoạn trên thì có thể khẳng định rằng tiền 大和 phải đọc là Thái Hòa mới là đúng.
Hình 1: Đồng Diên Ninh thông bảo 2 gạch (hiếm) - còn gọi là Mãnh Diên Ninh
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)