Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi đánh bại hoàn toàn quân Minh xâm lược, chẳng cần đợi nhà Minh công nhận, ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi xưng vua và lấy niên hiệu là Thuận Thiên; một tháng sau thì cho đúc tiền kim loại Thuận Thiên thông bảo bằng đồng mà không tiếp tục chính sách sử dụng tiền giấy của nhà Hồ.
Sử chép: “Tiền là huyết mạch của nhân dân, không thể không có. Nước ta vốn sản xuất mỏ đồng, nhưng tiền đồng cũ đã bị người Hồ (nhà Hồ) tiêu hủy, trăm phần chỉ còn một phần, đến nay việc quân việc nước thường bị thiếu dùng. Muốn cho tiền được lưu thông tiêu dùng để thỏa lòng dân, há chẳng khó sao? Mới rồi có người dâng trình thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm sớm khuya nghĩ ngợi, chưa nghĩ ra cách gì. Vì rằng tiền giấy là thứ vô dụng mà lưu hành ở trong dân hữu dụng, thực không phải là ý yêu dân dùng của. Nhưng đời xưa có người cho rằng vàng, bạc, da, lụa, tiền thực, tiền giấy các vật ấy đều cân ngang nhau được, thế thì thứ gì là hơn? Truyền cho các đại thần trăm quan và những người thông đạt thì vụ ở trong ngoài đến bàn thể lệ dùng tiền cho thuận lòng dân, ngõ hầu có thể không lấy lòng thích riêng của một người mà bắt ép muôn nghìn người không muốn phải theo, để làm phép hay của một đời. Nên phải định sớm tâu lên, trẫm sẽ tự chọn lấy mà thi hành"
Còn theo phát hiện của khảo cổ học, thì tên tiền kim loại đó có lẽ là Thuận Thiên nguyên bảo. Hiện các nhà nghiên cứu còn chưa có kết luận được là sử chép sai "nguyên" thành "thông" hay Lê Lợi cho đúc hai loại nhưng hiện mới chỉ phát hiện di chỉ loại Thuận Thiên nguyên bảo. Đỗ Văn Ninh đã lập luận là trong thư tịch chép tiền thời Lê Lợi là tiền Thuận Thiên thông bảo hoặc viết tắt là tiền Thuận Thiên nhưng hiện vật khảo cổ thì chỉ tìm thấy tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Ông cho rằng hoặc sử cũ đã chép sai hoặc là đời này đúc cả hai loại tiền Nguyên bảo và Thông bảo. Loại tiền đúc đợt đầu có lẽ chính là tiền Thuận Thiên nguyên bảo. Ngoài ra còn có một nghi vấn là tiền Thuận Thiên nguyên bảo là tiền của Trung Quốc nhưng Đỗ Văn Ninh đã bác bỏ quan điểm nghi vấn này bằng cách dẫn ra chi tiết vào năm 759, Sử Tư Minh đã cho đúc hai loại tiền là Đắc Nhất nguyên bảo và Thuận Thiên nguyên bảo đương bách. Như vậy, tiền Thuận Thiên của Trung Quốc là tiền ''đương bách” nghĩa là tiền ăn 100 đồng chứ không phải tiền ăn một đồng của ta. Do đó, tiền Thuận Thiên nguyên bảo có thể khẳng định là tiền đúc thời Lê Thái Tổ.
Thuận Thiên nguyên bảo có kích thước to hơn, dày hơn và được đánh giá là đẹp hơn các đồng tiền kim loại của các thời trước ở Việt Nam. Đường kính tiền khoảng 25 mm, to và dày dặn hơn hẳn những đồng tiền thời trước đó. Mặt trước đúc nổi bốn chữ Hán là Thuận Thiên nguyên bảo với nét viết chân phương. Mặt sau không có chữ, viền mép và gờ viền lỗ rõ ràng và đều đặn. Khi xem xét tiền Thuận Thiên nguyên bảo ở góc độ thư pháp, ta có thể thấy nét chữ của loại tiền này viên nhuận, đầy đặn, trung cung chữ mở rộng. Thư thể của tiền Thuận Thiên nguyên bảo khá tương đồng với thư thể của một số tấm bia ma nhai khắc thơ vua Lê Thái Tổ nhân dịp vị vua này đi đánh dẹp ở các vùng đất phía Tây Bắc (tham khảo thêm cuốn Lịch sử Thư pháp Việt Nam). Về chất lượng, tiền thời Lê Sơ cũng không hề kém tiền của Trung Quốc về độ bền, thẩm mỹ, kỹ thuật, công nghệ đúc tiền.