Lê Thái Tông (1423 – 1442), tên húy Lê Nguyên Long, là vị hoàng đế thứ hai của triều Lê nước Đại Việt. Lê Thái Tông trị vì từ ngày 20 tháng 10 năm 1433 cho tới khi mất năm 1442, tổng cộng 9 năm
Triều đại của Lê Thái Tông đánh dấu một thời kì thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, tiếp nối thành tựu của thời đại Lê Thái Tổ. Thái Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi, nhưng là vị vua thông minh, lại được sự giúp đỡ của các đại thần võ tướng như Lê Sát, Lê Ngân, Trịnh Khả, Đinh Liệt... cùng các văn thần, ngôn quan chịu khó can gián như Phan Thiên Tước, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Thiên Tích,... Nhà vua và các đại thần ổn định xã hội, nghiêm trị tham ô, hoàn thiện hệ thống nghi thức, lễ nhạc của triều đình, tăng cường chỉnh đốn quân đội, chấn hưng giáo dục và đặt lệ 3 năm mở 1 khoa thi lớn trên toàn quốc để tìm ra Nho sĩ có tài, có thể giúp vua cai quản dân sự.
Nhờ các chính sách của Lê Thái Tông, Đại Việt phát triển thịnh đạt, như các sử quan biên soạn Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả: "...mới có mấy năm mà điển chương văn vật rực rỡ đầy đủ, đất nước đã đổi thay tốt đẹp. Các nước Trảo Oa, Xiêm La, Tam Phật Tề, Chiêm Thành, Mãn Lạt Gia vượt biển sang cống".[4] Tuy nhiên, nhà vua lại có tính cứng rắn, ép chết Đại tư đồ Lê Sát cùng Đại đô đốc Lê Ngân, hà khắc anh ruột là Quận Ai vương Lê Tư Tề. Năm 1442, Thái Tông mất ở tuổi 20 khi đi tuần miền Đông, làm dấy lên nhiều nghi vấn trong lịch sử, và Hành khiển Nguyễn Trãi vì thế bị kết án tru di, tạo thành vụ án Lệ chi viên nổi tiếng.
Vua Lê Thái Tông sử dụng hai niên hiệu: Thiệu Bình (1434-1439) và Đại Bảo (1440-1442), có người đọc là Thái Bảo.
Dưới triều đại của mình, ông cho đúc tiền xu cổ Thiệu Bình thông bảo và Đại Bảo thông bảo. Triều đại của Lê Thái Tông là một triều đại thịnh trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật phát triển cao. Điều này được thể hiện ở đồng xu cổ Thiệu Bình thông bảo và Đại Bảo thông bảo được đúc rất đẹp, tiền có trọng lượng vừa phải, không mỏng không dày và rất thuận tiện trong việc tiêu dùng cũng như lưu trữ. Sách An Nam Lịch Đại Tiền khảo của tập thể các nhà nghiên cứu và sưu tập xu cổ Nhật Bản liệt kê tới 15 loại xu cổ Thiệu Bình thông bảo và 12 loại xu cổ Đại Bảo thông bảo.
Nhìn chung, các loại tiền xu cổ Thiệu Bình thông bảo có sự khác nhau khá rõ rệt về thư pháp, biên tiền... Có loại tiền Thiệu Bình thông bảo có chữ Thông 1 tích, Thông 2 tích, một số loại tiền Thiệu Bình thông bảo khác lại khác nhau ở việc viết bộ Đao trong chữ Thiệu.
Tiền xu cổ Đại Bảo thông bảo về cơ bản có thể chia ra
- Đại Bảo thông bảo đại tự (đứng sau loại trung tự về độ hiếm, giá trị cũng rất cao)
- Đại Bảo thông bảo trung tự (được cho là hiếm nhất và có giá trị cao nhất)
- Đại Bảo thông bảo chính tự (loại này hay gặp, có thể chia ra một số loại nhỏ dựa theo hình dạng của đầu chữ Thông hay độ dày của tiền, độ rộng biên tiền...)
- Đại Bảo thông bảo tiểu tự khoát duyên (biên to, chữ nhỏ). Loại này cũng khá hiếm, nhưng giá trị và độ hiếm kém hai loại đại tự và trung tự hai đến ba bậc.
Hình 1: Đồng xu cổ Thiệu Bình thông bảo
Hình 2: Đồng xu cổ Đại Bảo thông bảo (chính tự)
Hình 3: Đồng xu cổ Đại Bảo thông bảo (trung tự)
Hình 4: Đồng xu cổ Đại Bảo thông bảo (đại tự)
(tổng hợp và biên soạn từ nhiều nguồn)