Lê Thánh Tông (1442 – 1497) là vị Hoàng đế thứ tư trên danh nghĩa và thứ năm trên thực tế của vương triều Lê Sơ trong lịch sử Việt Nam (Lê Nghi Dân tạo phản cướp ngôi nên các sử gia thời đó không công nhận là hoàng đế chính thống), trị vì từ năm 1460 đến khi băng hà vào năm 1497, là vị vua tại vị lâu nhất thời Lê Sơ và lâu thứ hai thời Hậu Lê [sau Lê Hiển Tông với 46 năm (1740 - 1786)]. Thời kỳ của ông đã đánh dấu sự hưng thịnh của triều Hậu Lê nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung với tên gọi Hồng Đức thịnh trị
Lê Thánh Tông được xem là một hoàng đế anh minh thời Hậu Lê. Trong thời kỳ trị vì của ông, Đại Việt phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự. Lãnh thổ của nước ta cũng được mở rộng đáng kể sau những chiến thắng trước Ai Lao, Chiêm Thành và Bồn Man.
Lê Thánh Tông dùng hai niên hiệu: Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Để lưu lại dấu ấn của triều đại của mình cũng như nhằm phục vụ giao thương, phát triển kinh tế, ông cho đúc tiền cổ Quang Thuận thông bảo và Hồng Đức thông bảo ứng với mỗi niên hiệu trên. Đồng tiền cổ Quang Thuận thông bảo và Hồng Đức thông bảo được tìm thấy rất nhiều, phần lớn ở tình trạng rất tốt với chất đồng tốt, chữ viết khải thư sắc sảo và đẹp. Điều này cho thấy quy mô dân số lớn cũng như sự phát triển vượt bậc của kinh tế, giao thương thời kỳ đó. Tiền cổ Hồng Đức thông bảo và Quang Thuận thông bảo được coi là hai những đồng tiền đẹp nhất trong hệ thống tiền cổ của Việt Nam. Đồng tiền có kích cỡ, trọng lượng vừa phải, không quá dày, không quá mỏng... rất thích hợp cho việc tiêu dùng hay mang theo bên người. Điều này phản ánh trình độ kỹ thuật luyện kim, đúc đồng, chế tác kim loại ở trình độ rất cao thời đó.
Hình 1: Đồng xu cổ Hồng Đức thông bảo
Hình 2: Đồng xu cổ Quang Thuận thông bảo
(tổng hợp từ nhiều nguồn)