Truyền thuyết kể rằng: trước khi Lê Long Đĩnh chết (1009), sét đánh vào cây gạo ở châu Cổ Pháp, vết hằn thành bài thơ chữ Hán, trong đó có hai câu: ""...Hòa đao mộc lạc/Thập bát tử thành..." Sư Vạn Hạn đoán ba chữ ""hòa đao mộc " ghép thành chữ Lê 黎, còn ba chữ "thập bát tử'' ghép thành chữ Lý 李. Đó là điềm báo nhà lê sẽ "lạc" - mất và họ Lý sẽ lên thay "thành" lập vương triều mới. Nhân đó quần thần cùng nhau tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, tức Thái Tổ triều Lý, lấy niên hiệu là Thuận Thiên (1010-1028).
Đến nay, đã tìm thấy tiền Thuận Thiên Đại Bảo, mặt lưng có chữ Nguyệt. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đều công nhân đây là tiền của Lý Thái Tổ. Chỉ riêng, Đinh Phúc Bảo giám định tiền này là của Lê Thái Tổ, cũng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433).
Về niên hiệu Thuận Thiên, lịch sử Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên chỉ thấy có hai vị vua có niên hiệu này là Lý Thái Tổ và Lê Thái Tổ; Nhưng tiền mang niên hiệu này thì có ba loại: Thuận Thiên Đại Bảo, Thuận Thiên nguyên bảo loại nhỏ và Thuận Thiên nguyên bảo loại lớn ăn 100 đồng (đương bách).
Riêng tiền Thuận Thiên đương bách là của Sử Tư Minh thời Đường đúc năm 759, có đặc điểm của tiền Trung Quốc đương thời, là điều là loại trừ ở đây, không còn gì bàn thêm.
Đại Việt sử ký toàn thư tuy không ghi rõ việc Lý Thái Tổ có đúc tiền, nhưng lại chép thời ấy có sử dụng tiền. Ngay từ khi mới lên ngôi, vua về thăm quê: ""Canh Tuất, Thuận Thiên năm thứ 1 (1010). Mùa xuân, tháng 2, xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng..."; rồi sau khi rời đô về Thăng Long vào mùa thu, tháng 7, vua đã "xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở...'' Đã là tiền ban thưởng cho các bô lão ở quê làng, một dạng vinh quy bái tổ thì phải là tiền do vua đúc, chứ không thể lấy tiền của vua khác mà ban được!
Do sử ghi năm 984 Lê Đại Hành có đúc tiền nhưng lại không viết gì về Lý Thái Tổ có đúc tiền. Lại thêm khi viết về Lê Thái Tổ, sử chép ''đúc Thuận Thiên thông bảo''. Nhờ đó mà Đinh Phúc Bảo đã giám định cả hai loại tiền Thuận Thiên Đại Bảo và Thuận Thiên nguyên bảo đều của Lê Thái Tổ. Sự giám định này là không hợp lý và thiếu thực tế:
- Xin lấy lý mà nói thì Lê Thái Tổ đúc tiền ''...thông bảo'' chứ không phải là ''đại bảo'' hay ''nguyên bảo''
- Nếu tiền Thuận Thiên Đại Bảo là của vua lê, vì sao chưa bao giờ tim thấy tiền này trong các di tích có riêng tiền thời Lê mà chỉ tìm thấy có tiền Thuận Thiên nguyên bảo mà thôi?
- Thực tế cho thấy tiền Thuận Thiên nguyên bảo luôn nằm trong các di tích thời Lê, có các loại tiền thời Lê - Mạc khác như Thiệu Bình, Thái Hòa... Đến Minh Đức, Đại Chính và cả Quảng Hòa, nhưng không thấy có tiền Thuận Thiên đại bảo
- Ngược lại tiền Thuận Thiên đại bảo rất hiếm, thỉnh thoảng cũng có một đồng trong các di tích có cả tiền thời Lý Trần
Về thư pháp, thư pháp tiền Thuận Thiên nguyên bảo mang đặc điểm tiền thời Lê sơ. Điều này khác hẳn với tiền Thuận Thiên đại bảo...
Về chữ Nguyệt ở lưng tiền, có nhiều lý giải khác nhau:
- Có nhà nghiên cứu tiền cổ với bút hiệu là Tiencovietnam, ngày 8/1/2012 đã có bài bình luận trên diễn đàn Viet-numis.com, cho rằng đó là viết tắt địa danh "Nguyệt Đức'', một xã cổ chuyên đúc đồng ở Bắc Ninh, gần quê của vua, nên ghi dấu đúc tiền ở đó. Cách giải thích này khá hay, nhưng đáng tiếc là không có bằng chứng, vì xem lại Đại Nam nhất thống chí, phần Thổ sản của tỉnh Bắc Ninh, chẳng có xã đúc đồng nào tên ''Nguyệt Đức'' cả, mà chỉ có lò đúc đồ đồng ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình mà thôi. Vả lại khi mới lên ngôi, vua vẫn còn ở Hoa Lư, và đến tháng 7 (nửa năm sau khi ban tiền), thì vua mới dời đô về Thăng Long; thế thì đồng tiền Thuận Thiên đại bảo vẫn có thể được đúc tại những lò đúc tiền cũ ở Hoa Lư như những đồng tiền của Đinh - Lê.
- Giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Tài Cẩn cho biết, khoảng đời Trần ''Việt'' có khả năng bị thay thành ''Nguyệt'' trong chữ Nôm. Và theo nghiên cứu mới đây, giáo sư còn cho biết thêm ''chữ Nôm đã hiện diện vào thời kỳ quốc đô dời ra Thăng Long''. Liệu có phải đây là một hình thức tiếp tục khẳng định chủ quyền nước Việt và dùng chữ Nôm, tương tự quốc tính trên những đồng tiền Đinh - Lê của Lý Thái Tổ
Hình 1-2-3: Đồng xu cổ Thuận Thiên Đại Bảo thời Lý Thái Tổ
(Trích trong sách Lịch sử tiền tệ Việt Nam - Sơ truy và lược khảo"" của tác giả Nguyễn Anh Huy