Đồng xu cổ Gia Thái Thông Bảo được đúc và lưu hành dưới thời vua Lê Thế Tông của nhà Lê Trung Hưng. Vua Lê Thế Tông là vị hoàng đế thứ tư của nhà Lê Trung Hưng, ông ở ngôi từ năm 1573 đến năm 1599. Ông là hoàng đế nhà Lê đầu tiên trở lại Thăng Long sau 66 năm nhà Lê Sơ bị họ Mạc cướp ngôi (1527-1593) và hoàn thành công cuộc trung hưng vương triều. Ông là con thứ năm của Lê Anh Tông, sinh ra trong thời kỳ Nam – Bắc triều. Sau nhiều chiến dịch lớn, năm 1592 Trịnh Tùng đánh bại quân Mạc, lấy lại Đông Kinh và rước Thế Tông về kinh đô cũ. Do vậy, quốc sử Đại Việt do chúa Trịnh chỉ đạo biên soạn xem Lê Thế Tông là vua có công khôi phục cơ nghiệp nhà Hậu Lê. Trên thực tế, dù nhà Lê được tái lập nhưng quyền lực thực sự đã rơi vào tay Trịnh Tùng, nhà vua chỉ còn lại hư vị. Năm 1599, Thế Tông phong Trịnh Tùng làm Bình An vương, bắt đầu một thời kỳ được gọi là thời vua Lê – chúa Trịnh.
Trong thời gian trị vì Lê Thế Tông đã sử dụng hai niên hiệu gồm Gia Thái (1573 – 1577) và Quang Hưng (1578 – 1599).
Đồng xu cổ Gia Thái thông bảo được đúc trong niên hiệu Gia Thái của vua Lê Thế Tông. Tiền được đúc bằng kim loại đồng, mặt trước có bốn chữ Hán Gia Thái Thông Bảo (嘉 泰 通 寶) được viết theo lối Chân thư, mặt lưng tiền để trơn. Các chữ được đọc đối theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Trong đó hai chữ Gia Thái chỉ niên hiệu của vua Lê Thế Tông, còn hai chữ Thông Bảo chỉ đồng tiền được lưu hành thông dụng, phổ biến trong cả nước.
Chữ Gia có nghĩa là phúc lành, tốt, đẹp còn chữ Thái có nghĩa là hanh thông, yên bình, thời vận tốt... Niên hiệu Gia Thái thể hiện mong muốn thiên hạ được yên bình, được hưởng phúc lành.
Tống Ninh Tông nhà Nam Tống Trung Quốc cũng sử dụng niên hiệu Gia Thái (1201-1204) và cũng đã cho đúc tiền Gia Thái thông bảo. Tiền Gia Thái thông bảo nhà Nam Tống phần lớn có chữ như Nguyên, Nhị, Tam, Tứ ở sau lưng, một số đồng khác không có chữ. Những nhà sưu tập mới rất dễ nhầm lẫn giữa đồng Gia Thái thông bảo lưng trơn của Nam Tống với đồng Gia Thái thông bảo của vua Lê Thế Tông.
Nhìn vào hình ảnh hai loại tiền Gia Thái thông bảo của Việt Nam và Trung Quốc ta có thể thấy tiền Gia Thái thông bảo của Trung Quốc có chữ sắc sảo, rắn rỏi và biên tiền mảnh hơn tiền Gia Thái thông bảo của Việt Nam. Tiền Gia Thái thông bảo của Việt Nam có nét chữ mềm và bẹt hơn tiền Trung Quốc, biên tiền trước sau và biên lỗ sau cũng rộng hơn tiền Trung Quốc. Nhìn vào cụ thể từng chữ Hán trên tiền, chúng ta sẽ thấy sự khác nhau rõ rệt giữa tiền Gia Thái thông bảo của Trung Quốc và Việt Nam. Sự khác nhau dễ thấy nhất ở chữ Gia (tiền Việt Nam có bộ Đao trong chữ Gia dài hơn) và chữ Thông (tiền Việt Nam có đầu chữ thông dài và cong mềm mại hơn tiền Trung Quốc).
Hình 1: Gia Thái thông bảo tiền Việt Nam
Hình 2: Gia Thái thông bảo tiền Nam Tống Trung Quốc
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)