Xin giới thiệu với các bạn đồng Thiệu Bảo nguyên bảo, một trong những đồng xu hiếm vào bậc nhất trong hệ thống xu cổ của Việt Nam.
Đồng Thiệu Bảo nguyên bảo được sách An Nam Thủ Loại Tiền Khảo xếp vào bộ Vạn Kiếp thủ, bộ tiền có đặc điểm tiền, thực tế xuất lộ hay tên tiền liên quan rất nhiều đến nhà Trần và đã được nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tập đánh giá và công nhận là tiền nhà Trần.
Nhìn vào đồng xu thì thường ta sẽ đọc là Nguyên Thiệu Bảo Bảo hoặc Nguyên Bảo Thiệu Bảo, chữ đằng sau là chữ Thượng. Nhưng riêng đồng này, cá nhân tôi cùng nhiều nhà sưu tập khác thống nhất đọc là Thiệu Bảo nguyên bảo.
Chúng ta đều biết, Trần Thánh Tông có niên hiệu Thiệu Long (1258-1272) và Bảo Phù (1273-1278). Ngày 8/11/1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông) và lên làm Thái Thượng Hoàng. Theo phép tắc đời trước, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông cùng với Hoàng Đế Trần Nhân Tông cùng điều hành chính sự. Trần Nhân Tông có dùng niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1285) và Trùng Hưng (1285-1293).
Sở dĩ chúng tôi nhất trí đọc là Thiệu Bảo nguyên bảo là vì chúng tôi cho rằng đồng này được cho đúc trong niên hiệu Thiệu Bảo của vua Trần Nhân Tông. Kết luận này được đưa ra từ nhiều lý do.
1. Chúng ta đều biết, cách chế tác, thư pháp của đồng tiền trong một giai đoạn lịch sử nhất định sẽ có sự tương đồng về chất liệu, màu sắc, độ dày mỏng của biên tiền, biên lỗ… Các nhà nghiên cứu Nhật Bản bằng nhiều phương pháp từ định tính đến định lượng đã kết luận là những đồng tiền trong bộ Vạn Kiếp thủ có chế tác tương đồng nhau, cùng được đúc trong một thời kỳ. Ở đây ta thấy đồng Thiệu Long thông bảo và Thiệu Bảo thông bảo đều được xếp trong bộ Vạn Kiếp thủ. Đặt cạnh nhau sẽ thấy sự tương đồng rõ rệt về kỹ thuật chế tác hay thư pháp. Thiệu Long thông bảo thì hẳn không ai không công nhận là tiền nhà Trần, vậy thì 7 năm sau niên hiệu Thiệu Long, Thiệu Bảo thông bảo hoàn toàn có thể là đồng tiền được Trần Nhân Tông cho đúc vì nó mang phong cách giống hệt tiền Thiệu Long.
2. Mặt sau của đồng tiền có chữ Thượng! Phải chăng đây có ý nghĩa là về Thượng Hoàng Trần Thánh Tông. Trần Nhân Tông được truyền ngôi báu nhưng theo lệ cũ của nhà Trần, hai cha con vẫn cùng nhau điều hành chính sự. Phải chăng vì sự tôn kính với Thượng Hoàng Trần Thánh Tông nên Hoàng đế Trần Nhân Tông cho đúc chữ Thượng ở lưng tiền?
3. Có nhà sưu tập lý giải rằng: từ 1278-1281, nhà Nguyên TQ nghe tin nước ta có vua mới nên đã ba lần sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung dụ Trần Nhân Tông lên chầu và vua Trần cự tuyệt. Năm 1282, Thượng Hoàng cử chú là Trần Di Ái thay mặt vua sang Nguyên. 1281-1282, Hốt Tất Liệt lập Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương và sai quân hộ tống Di Ái về nước… Vậy phải chăng vì vấn đề nhẫn nhịn trong ngoại giao với nhà Nguyên, Trần Nhân Tông không tiện công nhận mình là Hoàng Đế, cũng như không tiện công nhận niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1285) mà khiến ông phải cho đúc tiền với thứ tự các chữ ngược (Nguyên Thiệu Bảo Bảo hay Nguyên Bảo Thiệu Bảo)… và ẩn ý một chữ Thượng sau lưng tiền như hàm ý hãy đọc từ dưới lên trên thành Thiệu Bảo nguyên bảo.
Bàn về tiền cổ thì quả thật còn rất nhiều điều bí ẩn mà hậu nhân chưa thể hoặc không thể hiểu hay biết hết. Nhưng Thiệu Bảo nguyên bảo hậu là một đồng tiền có thư pháp đẹp, độc đáo và vô cùng quý hiếm là một điều không ai cần phải bàn cãi. Nói một cách nôm na, đồng này quý hiếm tới mức mà phần lớn dealer và các nhà sưu tập (kể cả những người khá lâu năm) chưa từng được nhìn hay nghe thấy tên chứ không nói đến việc sở hữu.
Hình 1: Đồng tiền cổ Thiệu Bảo nguyên bảo
Hình 2: Đồng tiền cổ Thiệu Long thông bảo
(Bài viết của Thế giới cổ tiền: https://thegioicotien.com)