Tháng 1 năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương, vẫn dùng theo niên hiệu Cảnh Hưng của nhà Lê và lấy ấn "Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh Trấn chi bảo" làm ấn truyền quốc.
Đến năm 1796, lúc này nhà Tây Sơn đang dần suy yếu còn thế lực của Nguyễn vương thì không ngừng lớn mạnh. Để phục vụ nhu cầu giao thương và chi phí lương bổng trong quân đội, Nguyễn vương - Nguyễn Ánh đã cho mở cục đúc tiền ở Bến Sỏi và cho đúc tiền kẽm hiệu Gia Hưng thông bảo. Sách Đại Nam Thực Lục chép:
- Bính Thìn, năm thứ 17 [1796], tháng 12 … Bắt đầu đúc tiền Gia Hưng thông bảo.
- Mậu ngọ, năm thứ 19 [1798]. tháng 4 … Định lệ đúc tiền. Cứ 100 cân kẽm thì đúc thành tiền 35 quan, mỗi quan tiền cân nặng 1 cân 14 lạng làm hạn. Sai tri Đồ gia là bọn Cáp Văn Hiếu và Nguyễn Thành Chẩn mộ người Đường [Hoa Kiều] để đúc.
Sách Gia Định thành thông chí (Mục Thành trì chí - Trấn Phiên An) chép:
- Chợ phố Lịch Tân (Bến Sỏi) ở bờ tây sông Bình Dương, nhà ngói san sát; bến này đều là cát sỏi, làm chỗ voi ngựa tắm, uống nước. Đầu phía bắc bến ấy, năm Kỷ Dậu có bắc cái cầu lớn ngang qua sông để đi lại với đồn Thảo Câu, để khi hữu sự ứng tiếp nhau, sau khi binh nhung đã định, lại bị nước soi phá, cầu hư, nay không tu bổ. Đầu phía tây có cục đúc tiền. Năm Bính Thìn (1796), phụng sắc của Thế Tổ Cao Hoàng Đế đúc tiền Gia Hưng thông bảo tại nơi ấy, nhân đó gọi tên là Chú Tiền Cục.
Tiền kẽm Gia Hưng có loại chữ Gia viết phồn thể, có loại chữ Gia viết giản thể. Về mặt lưng tiền thì có loại lưng trơn, có loại có dấu sao (*) ở các vị trí 12h, 3h, 4h, 6h, 8h, 9h, 10h hoặc vành trăng ở vị trí 3h, 9h.
Bài viết và hình ảnh của Phương Tú