Tiền kẽm nói chung và tiền kẽm Thiên Minh nói riêng đã góp phần vào cuộc khủng hoảng kinh tế ở Đàng Trong cuối thế kỉ 18. Đàng trong không có mỏ đồng, chúa Nguyễn phải nhập nguyên liệu đồng về để đúc tiền hoặc nhập tiền đồng từ Nhật Bản qua các thuyền buôn nước ngoài. Năm 1746, “người nước Thanh họ Hoàng xin mua kẽm trắng của Tây để đúc tiền cho rộng việc tiêu dùng. Chúa nghe lời mở cục đúc tiền ở Lương Quán… (Đại Nam thực lục). Việc đúc tiền kẽm đã cho chúa Nguyễn một món lợi lớn, theo ghi chép của thương gia Piere Poivre: “Nhà chúa mua kẽm 14 quan một thanh 120 cân, và khi đúc thành tiền, nhà chúa thu được 48, 59 hay thường là 50 quan, đó là một món lợi lớn”. Tiền kẽm ban đầu đã bù đắp cho việc khan hiếm tiền đồng và góp phần thúc đẩy giao thương: “Lúc mới tiền rất cứng và dày, tuy có thể đốt cháy nhưng không thể bẻ gãy được. Lại nghiêm cấm đúc riêng nên tiền ít khi mỏng quá, việc công việc tư đều tiện dùng” (Phủ biên tạp lục). Nhưng vì giá kẽm rẻ, việc đúc tiền bằng kẽm cho lợi nhuận lớn; kẽm lại là kim loại có nhiệt nóng chảy thấp nên rất dễ đúc, các lò đúc trộm mọc ra tràn lan, chính quyền chúa Nguyễn không thể kiểm soát được: “Những kẻ gian manh lấy kẽm bỏ vào nồi đất, đun lửa từ từ cho kẽm chảy ra rồi lấy muỗng múc đổ vào khuôn đúc tiền. Đến khi lấy tiền ra, người ta chỉ xoay qua một vòng. Công việc rất là giản dị, ngay đến những người xóm giềng cũng không hay biết” (Phủ biên tạp lục).
Không những tiền kẽm được đúc tràn lan mà chất lượng lại càng tệ do người đúc hám lợi mà trộn cả chì, thiếc vào, lại đúc tiền ngày càng nhỏ mỏng để được nhiều, làm cho tiền kẽm ngày càng xấu có thể bẻ gãy được. Một trong những hiệu tiền kẽm xấu là tiền Thiên Minh thông bảo, sách Đại Nam thực lục chép: “… tiền Thiên Minh thông bảo, pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng, vật giá vì đó vụt cao lên”. Sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép kĩ hơn: “…tiền ấy gọi là Thiên Minh thông bảo, nấu lẫn thứ thiếc xấu, ngày càng nhỏ và mỏng, nhân dân chê thứ tiền ấy không mua bán được. Trước kia 1 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng, đến đây 3 đồng tiền kẽm ăn 1 đồng tiền đồng mà còn bị từ chối không chịu tiêu. Các tầu buôn nước ngoài cũng không nhận tiền ấy. Người ta mua gạo và muối bằng cách đổi hàng hóa và vàng bạc. Các nhà giầu không ai chịu bán thóc gạo để lấy tiền ấy, thành thử giá gạo vọt lên cao…”
Tiền kẽm đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội ở sứ Đàng Trong. Chính quyền suy yếu, quan lại tham nhũng, nhân dân đói khổ dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, tiêu biểu là khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cầm đầu đã làm cho chính quyền các chúa Nguyễn đi đến sụp đổ.
Phương Tú