Thiên Khánh thông bảo là một hiệu tiền được đúc trong thời kì kháng chiến chống giặc Minh ở đầu thế kỉ 15.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Bính ngọ (1426), mùa đông, tháng 11, vua tìm được Trần Cảo lập lên… đặt niên hiệu là Thiên Khánh …
Đinh mùi (1427), Mùa đông, tháng 11 … ban tiền mới đúc (tức là đúc vào năm Thiên Khánh).
Như vậy tiền Thiên Khánh được đúc sớm nhất là từ tháng 11 năm 1426 (hoặc đến mùa đông năm 1427 mới đúc) đến khi vua Lê Lợi lập ra triều hậu Lê và cho đúc tiền Thuận Thiên nguyên bảo vào tháng 4 nhuận năm 1428. Được đúc trong thời gian chỉ hơn 1 năm nhưng tiền Thiên Khánh rất đa dạng, về cơ bản có 2 loại: loại lưng không có kí hiệu và loại lưng có vành trăng khuyết trên lỗ vuông; còn xét về thư pháp thì có đến 18 loại theo thống kê trong sách của Alanbarker. Vì sao lại có nhiều loại như vậy? Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiền Thiên Khánh đã được đúc từ nhiều năm trước đó khi nghiên cứu tư liệu về Hội thề Lũng Nhai, cụ thể là gia phả họ Đinh ở Nông Cống và gia phả họ Lê ở Kiều Đại, nội dung như sau:
“Niên hiệu Thiên Khánh thứ nhất, năm Bính Thân, tháng 2, qua ngày Kỷ Mão là ngày sóc, đến ngày 12 là Canh Dần.
Phụ đạo lộ Khả Lam nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh,Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bôi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo nhiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta.
Cúi xin chứng giám cho:
Rằng có bạn ở phương xa đến, kết giao vui vẻ cùng giữ lòng tin. Vì thế phải có lễ tấu cáo.
Nay ở trong nước, tôi là Phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người. Tuy họ hàng, quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng chung một họ.
(Có kẻ) bằng đảng xâm chiếm nước ta, qua cửa quan làm hại, nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước làm cho xóm làng được ăn ở yên lành. Thề sống chết cùng nhau, không dám quên lời thề son sắt.
Tôi cúi xin trời đất và các vị thần linh chứng giám, ban cho trăm phúc, đến thân mình, nhà mình, con cháu trong họ hàng đều được yên vui hưởng lộc trời.
Nếu như Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến sinh lòng này khác, cầu ơn hiện tại, núp bóng quân thù, không cùng một lòng, quên lời thề ước, chúng tôi nguyện trời đất và các thần linh, giáng trăm tai ương trị mình cho đến họ hàng, con cháu đều bị tru diệt, chịu hết hình phạt của trời.
Kính xin có lời thề.”
Như vậy niên hiệu Thiên Khánh đã có từ năm Bính Thân (1416) ?! nhưng niên hiệu này do ai đặt ra? Và để lấy kinh phí cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi đã cho đúc tiền Thiên Khánh suốt những năm kháng chiến để tiêu dùng? Thực tế cho thấy tiền Thiên Khánh có cả loại đẹp loại xấu. Có ý kiến cho rằng loại xấu được đúc trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa (1418-1426), khi mà nghĩa quân phải thay đổi căn cứ liên tục; còn loại đẹp được đúc từ khi nghĩa quân giành được nhiều thắng lợi và được dùng để ban thưởng như sách sử đã viết.
Nguồn: bài viết của nhà sưu tập - nghiên cứu tiền cổ Phương Tú
Hình minh hoạ: Đồng xu cổ Thiên Khánh thông bảo, mặt sau có hình trăng trên lỗ vuông, hình ảnh và vật phẩm thuộc sở hữu của Thế giới cổ tiền https://thegioicotien.com